Tin mới
La phông dãy phòng Khoa Nội Nhi của Bệnh viện 331 đã bị sập do mưa to và gió lốc.
Bệnh viện 331: Nỗi lo cơ sở vật chất xuống cấp
Thành lập cách đây 37 năm, Bệnh viện 331 trở thành địa chỉ tin cậy của người dân TP. Pleiku và các huyện lân cận. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, trang-thiết bị lạc hậu đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn của đơn vị.
Bệnh viện 331 (818 Phạm Văn Đồng, phường Yên Thế, TP. Pleiku) được thành lập năm 1982. Trải qua 37 năm hoạt động, Bệnh viện đã không ngừng nỗ lực trong công tác khám-chữa bệnh, được người dân TP. Pleiku và các huyện lân cận như: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Pah… tin tưởng. Hiện nay, Bệnh viện được công nhận là bệnh viện đa khoa hạng III với quy mô 120 giường bệnh; đội ngũ cán bộ chuyên môn ổn định, số lượt bệnh nhân đến khám-chữa bệnh hàng năm chỉ đứng sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku.
Anh Nguyễn Ngọc Quý (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần xuống khám-chữa bệnh tại Bệnh viện 331 bởi tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế tại đây. Lần này, tôi điều trị bệnh tại Bệnh viện cũng được 10 ngày rồi. Theo cảm nhận của tôi, đội ngũ y-bác sĩ nơi đây rất tận tình từ khâu chăm sóc đến điều trị cho bệnh nhân, thái độ vui vẻ, thân thiện, niềm nở, thuốc men đầy đủ”. Còn chị Đinh Thị Hằng (tổ 1, phường Yên Thế, TP. Pleiku) thì cho biết: “Bệnh viện 331 là địa chỉ tin cậy để chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực. Đội ngũ y-bác sĩ rất nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ cho người bệnh khi đến đây điều trị. Chính vì vậy, người bệnh thấy thoải mái, yên tâm hơn”.
Chất lượng dịch vụ y tế của Bệnh viện 331 ngày một đi lên, số lượng bệnh nhân đến khám-chữa bệnh tăng dần qua từng năm. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất nơi đây lại đang xuống cấp, trang-thiết bị thì cũ kỹ, lạc hậu. Bác sĩ Vũ Trọng Dũng-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện-cho biết: Hầu hết cơ sở vật chất của đơn vị được xây dựng, trang bị 20-30 năm trước nên đã xuống cấp; một số trang-thiết bị y tế đã lạc hậu hoặc hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh ngày một gia tăng. Gần đây nhất, cơn mưa to kèm sấm sét và gió lốc chiều 12-4 đã làm gãy đổ nhiều cây cối, tốc toàn bộ mái nhà và sập trần la phông của Khoa Nội Nhi. Cho đến thời điểm này, khu vực 5 phòng của Khoa vẫn không thể sử dụng, Bệnh viện phải di chuyển bệnh nhân sang nằm tạm tại phòng trực của điều dưỡng, bác sĩ.
“Hiện nay, Bệnh viện 331 là một trong số đơn vị xin tự chủ tài chính khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh đạt 120%, số lượt bệnh nhân khám-chữa bệnh xấp xỉ 40.000 lượt/năm, nguồn thu từ hoạt động khám-chữa bệnh đảm bảo khả năng chi trả tiền lương và các chế độ cho đội ngũ y-bác sĩ theo quy định. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất, trang-thiết bị không đảm bảo là điều thiệt thòi cho cả Bệnh viện lẫn bệnh nhân. Do đó, chúng tôi rất mong được tỉnh quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng để tương xứng với chất lượng hoạt động của bệnh viện, phục vụ kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn”-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện 331 đề nghị.
Theo Baogialai.com.vn
Bác sĩ thực hiện đúng và đầy đủ quy trình chuyên môn
Sở Y tế vừa có báo cáo về trường hợp bệnh nhân Vương Ngọc Tường Vy (sinh ngày 19-11-2016, trú tại xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai) tử vong tại Trung tâm Y tế huyện Kbang.
Như Báo Gia Lai Điện tử đã thông tin, trước đó, mẹ của cháu Vy là chị Nông Thị Hương đã có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc con mình tử vong một cách bất thường vào ngày 22-4. Sau khi nhận được phản ánh, Sở Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn kiểm tra hồ sơ bệnh án.
Trung tâm Y tế huyện Kbang-nơi xảy ra vụ việc.
Qua kiểm tra hồ sơ bệnh án tại Khoa Hồi sức-Cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện Kbang), cơ quan chức năng xác định: Cháu Vy được bố mẹ đưa vào bệnh viện lúc 4 giờ 24 phút ngày 22-4 với lý do sốt cao, cầu lỏng và nôn ói. Tại đây đã ghi nhận cháu bị sốt cao 39,5 độ C, mạch 120 lần/phút, huyết áp 90/60 mmHg, nhịp thở 30 lần/phút, cân nặng 14 kg, trẻ tỉnh, da hồng, mắt không trũng, nếp véo da mất nhanh, đau bụng quanh rốn, bụng mềm không chướng, tim phổi chưa phát hiện điều gì bất thường. Từ các triệu chứng trên, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm ruột. Theo đó, bác sĩ đã tiêm và cho cháu uống các loại thuốc để hạ sốt, bù mất nước, kháng sinh, giảm đau đường ruột, men tiêu hóa… Tuy nhiên, vào khoảng 8 giờ ngày 22-4, cháu Vy đã tử vong.
Qua phân tích hồ sơ bệnh án, quy trình điều trị, cấp cứu, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế kết luận bệnh nhân tử vong do hội chứng nhiễm trùng vì có những triệu chứng sốt cao liên tục, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng cao kèm theo co giật toàn thân, nôn ói, tiêu chảy hướng nhiều đến bệnh viêm não cấp. Cũng theo Sở Y tế, các y-bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Kbang đã thực hiện đúng và đầy đủ quy trình chuyên môn, quy trình khám bệnh, chăm sóc, xử lý cấp cứu. Tuy nhiên, khi khám và điều trị cho bệnh nhân thì nhân viên y tế chưa tư vấn tỉ mỉ về tình hình bệnh tật và những biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân tử vong, nhân viên y tế tuy đã có giải thích cho gia đình nhưng chưa cụ thể, chưa rõ ràng dẫn đến gia đình hiểu không đầy đủ.
Do đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Kbang tiếp tục tổ chức học tập quy tắc ứng xử của ngành nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, xây dựng quy trình chuyên môn, bố trí nhân lực, trang-thiết bị y tế hợp lý để đảm bảo công tác cấp cứu, khám-chữa bệnh đạt hiệu quả cao nhất, giảm thiểu tình trạng sai sót chuyên môn xảy ra.
Theo Baogialai.com.vn