Phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.
Chư Prông: Bùng phát sốt xuất huyết
Huyện Chư Prông đang là “điểm nóng” của tỉnh Gia Lai về bệnh sốt xuất huyết (SXH) với 143 trường hợp mắc từ đầu năm đến nay. Huyện đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm khống chế không để SXH lây lan, góp phần đảm bảo sức khỏe người dân.
Tăng mạnh số ca mắc SXH
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện ghi nhận 143 trường hợp mắc SXH, tăng 118 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Bệnh SXH xảy ra tại 13/20 xã, thị trấn của huyện, trong đó, tập trung tại xã Thăng Hưng (71 trường hợp), xã Bình Giáo và thị trấn Chư Prông (cùng 26 trường hợp). Ông Phạm Ngọc Tâm-Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-HIV-An toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) cho biết: “Ổ dịch SXH đầu tiên được phát hiện tại thôn Phú Mỹ (xã Ia Băng) vào tháng 1-2019 với 5 trường hợp mắc. Sau khi chúng tôi tổ chức dập dịch thì SXH lắng xuống. Đến tháng 4 và tháng 5, bệnh bùng phát mạnh. Ở Chư Prông hiện lưu hành 2 tuýp SXH là Den-1 và Den-2”.
Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chư Prông, bệnh SXH của ông Nguyễn Hữu Tập (tổ 1, thị trấn Chư Prông) có dấu hiệu nặng hơn và phải chuyển lên tuyến trên. Ông Tập cho hay: “Chỗ tôi ở đang có dịch SXH. Nhà có 3 người thì tôi và đứa cháu gái mắc SXH. Cháu gái bị bệnh nhẹ nên ở nhà để vợ tôi chăm. Tôi ở bệnh viện phải tự lo cho mình”.
Tại Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa huyện Chư Prông) hiện có khá nhiều trường hợp mắc SXH đang điều trị. Đa phần các trường hợp này đều sống ở tổ 1, thị trấn Chư Prông. Bác sĩ Huỳnh Lợi (Khoa Nội-Nhi-Nhiễm) cho hay: “Từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh nhân mắc SXH nhập viện rất đông, chủ yếu là người dân thị trấn Chư Prông. Còn bệnh nhân ở các xã thường đi thẳng lên tuyến tỉnh. Chúng tôi cũng đã chuyển lên tuyến tỉnh nhiều trường hợp bệnh nặng”.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hữu-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Chư Prông: “Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã xuống hỗ trợ huyện dập dịch SXH. Họ cho chúng tôi biết nguyên nhân bệnh SXH ở huyện bùng phát là do thời tiết nắng nóng thất thường, công tác dọn vệ sinh môi trường chưa được người dân chú trọng đã tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, ẩn nấp. Một nguyên nhân nữa là bệnh tái diễn theo chu kỳ 3 năm. 3 năm trước, huyện Chư Prông là một trong những ổ dịch SXH của tỉnh. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là do người dân tự đến cơ sở tư điều trị và không thông báo để cơ quan chức năng kịp thời khoanh vùng dập dịch từ đầu. Nguồn kinh phí còn thiếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động dập dịch SXH”.
Đẩy mạnh phòng-chống SXH
Trước nguy cơ SXH bùng phát thành dịch lớn ở Chư Prông, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã cử lực lượng cùng địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch. Tại xã Thăng Hưng, các biện pháp dập dịch đang được nhân viên y tế và người dân khẩn trương triển khai. Y sĩ Mai Hồng Thái-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thăng Hưng-chia sẻ: “Bệnh nhân gia tăng rất nhanh, đầu tháng 5 mới có 28 trường hợp mà nay đã là 71 trường hợp. Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền để người dân tự ý thức được tác hại của bệnh mà đẩy mạnh các hoạt động tự phòng ngừa, chú trọng việc dọn vệ sinh môi trường quanh nhà ở”.
Tại xã Bình Giáo và thị trấn Chư Prông, công tác dập dịch SXH cũng đang được đẩy mạnh. Anh Nguyễn Văn Toàn (Khoa Kiểm soát bệnh tật-HIV-An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) cho hay: “Ở 2 địa phương này, chúng tôi đã tổ chức các chiến dịch dọn vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi. Chúng tôi cũng tiến hành giám sát dịch tễ và hướng dẫn người dân tự lật đổ các vật dụng chứa nước đọng, khơi thông mương nước. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong việc dập dịch SXH là người dân ít khi tự triển khai các biện pháp phòng-chống và thiếu kinh phí”.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phun 43 lít hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch ở 13 xã, thị trấn; phối hợp triển khai 5 chiến dịch chống SXH tại 3 địa phương có số người mắc SXH cao và gia tăng nhanh là Thăng Hưng, Bình Giáo, thị trấn Chư Prông. Các chiến dịch này đã thu hút hàng ngàn lượt người dân cùng tham gia dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh và lật đổ vật dụng chứa nước thải.
Ủy ban nhân dân huyện Chư Prông cũng đã chỉ đạo các ngành và các xã, thị trấn triển khai nhiều hoạt động phòng-chống SXH nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. “Hiện nay, ngoài việc giám sát dịch tễ và khoanh vùng ổ dịch nhỏ để tập trung xử lý, chúng tôi còn triển khai hoạt động truyền thông vận động người dân tự dọn vệ sinh môi trường, ngủ màn để hạn chế SXH lây lan. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch phát động 100% xã, thôn đồng loạt ra quân triển khai chiến dịch dọn vệ sinh môi trường diệt trừ mầm bệnh SXH. Huyện cũng sẽ tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng-chống SXH lần thứ 9 (ngày 15-6-2019)”-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Chư Prông cho biết thêm.
Theo Baogialai.com.vn
Dự án Hoa Lư-Phù Đổng cần tháo gỡ vướng mắc về giá đất
Dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng vừa được UBND tỉnh Gia Lai cho phép gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2021. Liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất của dự án, giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc có nên điều chỉnh lại giá đất hay không.
Ngày 24-5-2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 265/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà ở khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng. Theo đó, quyết định điều chỉnh thông tin nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (Công ty FBS); điều chỉnh tiến độ dự án về hạ tầng đối với diện tích giao lần 2 (8,6 ha) dự kiến thời gian hoàn thành quý IV-2020; điều chỉnh tiến độ về đầu tư xây dựng hệ thống nhà kinh doanh đối với diện tích giao lần 1 (6,4 ha) dự kiến hoàn thành trong quý IV-2019. Đối với diện tích đất giao lần 2 (8,6 ha), song song với việc triển khai đầu tư hạ tầng sẽ thi công tại các vị trí đã có mặt bằng; các vị trí còn lại gia hạn triển khai đến hết quý III-2021.
Dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng chậm hoàn thiện hạ tầng vì vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng diện tích 1,735 ha.
Xác định lại giá đất để giao cho nhà đầu tư dự án khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng là vấn đề được các cơ quan chức năng của tỉnh đưa ra thảo luận, cân nhắc rất kỹ càng. Bởi vì liên quan đến diện tích đất giao lần 2 cho dự án, còn tới 1,735 ha của 22 hộ dân chưa được đền bù giải phóng mặt bằng với kinh phí ước tính khoảng 116,63 tỷ đồng. Theo quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường tại các cuộc họp liên ngành gần đây, cần xác định lại giá đất cho nhà đầu tư để sát với giá đền bù và giá thị trường hiện nay, bởi điểm c, khoản 1, điều 20 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định: “Trường hợp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra thông báo nộp tiền sử dụng đất và tổ chức kinh tế chưa nộp hoặc mới tạm nộp một phần tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước thì xử lý như sau: Tiền sử dụng đất đã tạm nộp (nếu có) được quy đổi ra diện tích đất đã nộp tiền sử dụng đất (đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính) tại thời điểm bàn giao đất thực tế. Phần diện tích đất còn lại phải nộp tiền sử dụng đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm bàn giao thực tế…”. Còn theo điểm b, khoản 1, điều 112 Luật Đất đai 2013 thì việc xác định giá đất phải đảm bảo thời hạn sử dụng đất.
Ông Nguyễn Xuân Trực-Giám đốc Công ty FBS-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: “Nguyện vọng của nhà đầu tư là được nhận mặt bằng sạch để triển khai dự án kịp tiến độ, đầu tư khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án và bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ cho mục đích công cộng. Nhà đầu tư có thiện chí nên rất mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ phía chính quyền địa phương và người dân”. Liên quan đến việc xác định giá đất, đại diện công ty FBS đề nghị UBND tỉnh xem xét không xác định lại giá đất cụ thể của dự án bởi các chỉ tiêu về quy hoạch, diện tích, mục đích sử dụng đất không thay đổi và tỉnh đã tiến hành xác định lại giá đất một lần vào năm 2016.
Theo thông tin từ Công ty FBS, đến nay, Công ty đã nộp ngân sách nhà nước 339,759 tỷ đồng cho toàn bộ dự án, bao gồm: tiền sử dụng đất 189,101 tỷ đồng; tiền cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 76,373 tỷ đồng; tiền thuế và các nghĩa vụ tài chính khác 74,284 tỷ đồng. Số tiền sử dụng đất và thuế Công ty dự kiến sẽ nộp trong thời gian tới khoảng 132 tỷ đồng (bao gồm tiền sử dụng đất 82,233 tỷ đồng và các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính khác).
Liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong đợt giao đất lần 2, tổng số tiền sử dụng đất Công ty phải nộp là 219,577 tỷ đồng. Ngày 13-4-2017, Công ty đã nộp vào ngân sách 137,344 tỷ đồng (tương đương với diện tích đất 24.197,41 m2 của đợt giao đất lần thứ 2). Số tiền còn lại mà Công ty dự kiến sẽ nộp là 82,233 tỷ đồng (tương đương với diện tích đất 14.487,91 m2 của đợt giao đất lần thứ 2) do chưa nhận bàn giao mặt bằng và chưa có thông báo của cơ quan Thuế. Cũng theo phân tích của đại diện công ty FBS, diện tích đất kinh doanh công ty này đã đóng tiền nhưng chưa khai thác được là 8.870,41 m2 (đã giải phóng mặt bằng), tương đương với số tiền 50,348 tỷ đồng. Nguyên nhân là do phần diện tích đất này chưa thể kết nối hạ tầng vì vướng 1,735 ha đất của 22 hộ chưa được giải phóng mặt bằng. Điều này gây khó khăn và thiệt hại cho nhà đầu tư. Mặt khác, việc chậm được bàn giao mặt bằng sạch kéo dài từ năm 2017 đến nay đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án cũng như kế hoạch khai thác quỹ đất kinh doanh của Công ty.
Tại cuộc họp liên ngành gần đây về việc thực hiện Thông báo số 54/TB-VP ngày 15-5-2019 của UBND tỉnh, sau khi cân nhắc ý kiến từ phía các sở, ngành liên quan, ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính đã đề nghị UBND TP. Pleiku phối hợp với Công ty FBS căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành để xây dựng phương án bồi thường, tổ chức họp với 22 hộ dân có diện tích đất bồi thường để thống nhất nhằm tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân. Trên cơ sở đó, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án để thực hiện. Đồng thời, Sở Tài chính cũng đề nghị Công ty FBS thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh báo cáo số liệu về tổng diện tích phải nộp tiền sử dụng đất, trong đó có diện tích 1,735 ha đã nộp tiền sử dụng đất hay chưa gửi Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh về thời điểm xác định giá đất giao cho nhà đầu tư và giá đất đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : Gia Lai: Hỗ trợ kinh phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn