Người trồng dưa hấu bất an với nạn côn đồ đe dọa, ra yêu sách đòi hạ giá bán. Ảnh: L.T
Côn đồ đòi bảo kê, hạ giá bán, người trồng dưa bất an
Xác định có đối tượng mang võng nằm giữa ruộng dưa, ra “yêu sách” đòi người trồng dưa hạ giá bán, nhưng chính quyền huyện Sơn Hòa (Phú Yên) lại cho rằng “chưa gây ra hành vi gì rõ ràng” và “không có chuyện gì xảy ra” nên không xử lý. Hồi âm này của cơ quan quản lý khiến người trồng dưa thêm bất an…
Ra “yêu sách” phải bán dưa giá thấp
Lại một khốn khó nữa đến với người trồng dưa hấu ở Phú Yên. Trong khi giá cả bấp bênh, họ phải nhờ các tổ chức thiện nguyện, tình nguyện viên từ các tỉnh, thành giải cứu giúp thì nay, trên vai lại gánh thêm nạn những kẻ lạ mặt đến nằm giữa ruộng dưa đòi tiền bảo kê, ra yêu sách phải bán dưa giá thấp. Bức xúc trước vấn nạn này, ông Lê Văn Bốn (ở tỉnh Bình Định), người thuê đất trồng dưa hấu ở thôn Má Gú, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) gửi đơn phản ánh, nhờ chính quyền can thiệp. Theo ông Bốn, vừa qua, một nhóm thanh niên ở Phú Yên và Gia Lai vào trại dưa của nông dân đòi tiền bảo kê. “Nhóm này vào vườn dưa bắt buộc nông dân phải bán lại dưa loại 2 với giá rẻ mạt và yêu cầu nộp tiền bảo kê mới cho xe dưa đi” – ông Bốn cho hay. Ông Bốn cho biết, trước đây, khi trồng dưa hấu ở Gia Lai, ông cũng bị một nhóm thanh niên vào trại đòi tiền bảo kê.
Tại huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) vừa qua cũng xuất hiện 2 băng nhóm dàn trận đòi hỗn chiến vì tranh giành việc bảo kê dưa hấu. Nhóm người phía Bắc với khoảng 70 người và băng nhóm người địa phương trên dưới 100 người. Với lợi thế địa bàn, các băng nhóm tại nhiều địa phương như thị xã An Khê, huyện Phú Thiện, thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa)… tràn sang hỗ trợ, chống lại nhóm người phía Bắc. Hai băng nhóm hẹn nhau ở ngã ba Chư Căm, cách trụ sở UBND xã Chư Căm (huyện Krông Pa) 300m để thắng thua. Trong lúc 2 băng nhóm này chuẩn bị “tỉ thí” thì lực lượng công an huyện có mặt giải tán kịp thời.
Liên quan đến sự vụ này, ông Tô Văn Chánh – Chủ tịch huyện Krông Pa có văn bản chỉ đạo công an huyện: “Theo thông tin hiện nay có khoảng 60 – 70 người Hải Phòng đến địa bàn huyện để bảo kê, ăn chặn, ép giá các chủ ruộng dưa gây bức xúc cho người dân. Huyện yêu cầu công an huyện điều tra, xử lý triệt để, tránh thiệt hại cho người trồng dưa và đảm bảo an toàn cho người dân cũng như an ninh trật tự tại địa phương”. UBND tỉnh Gia Lai cũng ra văn bản đề nghị Công an tỉnh phối hợp huyện Krông Pa điều tra, xử lý nghiêm nạn bảo kê dưa hấu, gây ảnh hưởng đến nông dân.
Không xử lý
Ông Kpă Y Hôn – Chủ tịch UBND xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), cho biết, đến nay xã cũng không biết được mặt mũi các đối tượng gây áp lực, đe dọa người trồng dưa. Bởi, khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng xuất hiện thì họ… biến mất. “Đối tượng này không phải người dân địa phương mà từ huyện Sông Hinh đến” – ông Hôn nói và cho biết, các năm trước cũng xảy ra tình trạng này khiến người trồng dưa bất an.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Đình Phụng – Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, đã phát hiện một số đối tượng mang võng đến nằm giữa ruộng dưa của người dân ở xã Suối Trai để gây áp lực, yêu cầu chủ ruộng bán giá thấp hơn. Ông Phụng cho biết, các đối tượng từ tỉnh Đắk Lắk, huyện Sông Hinh (Phú Yên) và địa phương gây áp lực cho những người nông dân trồng dưa ở xã Suối Trai, Sơn Phước. “Họ xách võng tới nằm giữa đám dưa, gây áp lực với chủ ruộng dưa, yêu cầu phải bán giá thấp hơn. Chúng tôi đã cử lực lượng công an đến can thiệp, làm việc với đối tượng đó. Tuy nhiên, các đối tượng này chưa gây ra hành vi gì rõ ràng. Hiện lực lượng chức năng chưa phát hiện đối tượng dùng hung khí đe dọa” – ông Phụng nói. Theo ông Phụng, năm ngoái có manh nha một vài vụ ở xã Suối Trai. “Hiện các chủ ruộng dưa đều đã được cấp số điện thoại đường dây nóng. Nếu có những đối tượng đó thì họ sẽ gọi ngay cho công an kịp thời can thiệp” – ông Phụng cho hay.
Tuy nhiên, trao đổi về thông tin này, ông Tô Phương Bắc – Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa lại cho rằng: “Không có chuyện gì xảy ra. Huyện tiếp nhận phản ánh, giao công an điều tra rồi. Nếu có chuyện đó thì xử lý theo quy định. Hiện chưa phát hiện được trường hợp nào. Chẳng qua người dân sợ, phòng ngừa vậy thôi, chứ không có chuyện đó xảy ra”.
NHIỆT BĂNG – ĐÌNH VĂN
Theo Laodong.vn
Côn đồ trắng trợn đòi “bảo kê”, cướp “bát cơm” nông dân nghèo tại Phú Yên!
Nhiều nông dân trồng dưa trên đất tỉnh Phú Yên đang khốn khổ vì bị một nhóm đối tượng đến “xin đểu” hoặc bắt ép người trồng dưa xuất bán thấp hơn với giá thị trường, sau đó bán lại cho thương lái với giá cao hơn. Nếu nông dân không làm theo những gì chúng muốn thì ruộng dưa đó mặc định sẽ không có người đến mua.
Tình trạng “bảo kê” dưa ở Phú Yên đã tồn tại nhiều năm nay. Những năm trước xảy ra tại huyện Sông Hinh đã được chấn chỉnh thì năm nay lại nổi lên ở vùng trồng dưa hấu huyện Sơn Hòa.
Theo nông dân dưa, chiêu thức hoạt động của nhóm đối tượng này, một là “xin đểu” từ 3 – 6 triệu đồng mỗi hộ, hoặc bắt ép người trồng dưa xuất bán thấp hơn với giá thị trường, sau đó bán lại cho thương lái với giá cao hơn.
Người trồng dưa khốn khổ vì bị các đối tượng “bảo kê” đòi tiền
Ông T. người Bình Định, thuê đất tại huyện Sơn Hòa cho biết: Mới hôm trước nó “xin đểu” 2 thằng em tôi mỗi đứa 6 triệu. Muốn yên ổn làm ăn tụi nó nộp rồi.
Để chứng thực lời mình nói, ông T rút điện thoại ra nói chuyện với em mình… “Hổm nay, mấy nhóm đối tượng xã hội đen làm tiền, em nộp bao nhiều tiền hả em?”. Đường dây bên kia đáp “12 triệu. Trại em với trại của Phước…”
“Nhiều người thấy mà không dám đứng ra làm chứng vì sợ tụi nó biết đánh, phá trả thù. Mình là người nghèo, họ là đi tập thế, đi mười mấy người, 20 người mà. Như trại dưa tôi có 2 người, nó vô nó đánh là tiêu luôn…” ông T nói.
Không đòi được tiền chúng ép người trồng dưa bán giá thấp cho chúng sau đó chúng bán lại thương lái thu tiền chênh lệch
Cùng chung nổi bức xúc, ông Q. ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thuê đất trồng dưa hấu tại huyện Sơn Hòa cho biết: Đa số người trồng dưa hấu hiện nay ở huyện Sơn Hòa đến từ Bình Định, nên không dám chống đối các nhóm người đòi tiền bảo kê. Khi bọn chúng yêu cầu đưa tiền bảo kê thì người trồng dưa chỉ biết nài nỉ để giảm số tiền, chứ không dám chống cự.
“Ngoài việc đòi tiền, thì một số đối tượng đến ép giá để mua thấp hơn giá thị trường. Sau đó chúng bán lại cho thương lái kiếm liền tay từ 3 – 5 triệu. Nếu mà mình không đồng ý thì tụi nó “cấm cửa” thương lái lại thu mua dưa mình…”ông Q. nói.
Trước những khó khăn của người trồng dưa, một số hộ nông dân đã gửi đơn lên để kêu cứu chính quyền huyện Sơn Hòa.
Lực lượng công an xã đến các ruộng dưa gần thu hoạch để các đối tượng “bảo kê” không dám quấy phá
Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Sau khi nhận được đơn kêu cứu của người trồng dưa hấu ở huyện Sơn Hòa, UBND huyện đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ và phải xử lý nghiêm các đối tượng gây khó khăn người trồng dưa.
Đến nay, để đảm bảo các đối tượng này không quấy phá, thì hầu hết lực lượng Công an viên ở các xã sẽ tiến hành tuần tra, túc trực tại các ruộng dưa chuẩn bị xuất bán.
XEM THÊM : Trekking thác Hang Én giữa đại ngàn Gia Lai. Hàng ăn ở Pleiku