Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được biết đến với rất nhiều món ẩm thực đã tạo thành nét đặc trưng của cộng đồng các dân tộc nơi đây như bò một nắng, cà đắng lá mì, cà xóc…Trong đó, đặc sản muối kiến vàng Krông Pa có lẽ là món ăn được nhiều người biết đến và nổi tiếng nhất của vùng chảo lửa này.
Muối kiến vàng
Đặc sản muối kiến vàng Krông Pa
Cuối mùa khô nhưng không khí ở Krông Pa vẫn oi nồng, rát bỏng như chưa có gì báo hiệu mùa mưa đang đến gần. Theo chân đồng bào dân tộc Jrai leo rừng, bắt kiến; được tận mắt chứng kiến cách chế biến đặc sản muối kiến vàng và thưởng thức tại chỗ món đặc sản này là trải nghiệm vô cùng thú vị của bất kì du khách nào yêu mến vùng đất này.
Được chế biến từ kiến vàng, trứng kiến cùng một số gia vị khác như muối, ớt rừng, lá thèn len,…muối kiến vàng Krông Pa có vị hơi chua nhưng mặn được pha lẫn giữa các loại gia vị và thân kiến vàng, dịch chua nơi bụng kiến. Xuất phát từ món ăn dân dã của địa phương, đến nay, đặc sản muối kiến vàng Krông Pa đã được rất nhiều bạn bè trong và ngoài nước biết đến cũng như theo chân rất nhiều thực khách sành ăn đến với bạn bè ở ngoài nước.
Sau đây là những hình ảnh mà P.V Báo Gia Lai ghi nhận được về quá trình bắt kiến ở rừng cũng như quá trình chế biến đặc sản muối kiến vàng Krông Pa:

Những thợ săn kiến vàng thường đi dọc suối và tập trung quan sát trên các ngọn cây để tìm tổ kiến.

Tổ kiến được những con kiến vàng to, vàng ươm, bụng căng mọng bảo vệ.

Những tổ kiến nhỏ ở gần mặt đất, thợ săn kiến dễ dàng bắt cả tổ mang về.

Những tổ kiến vàng có kích thước “khủng” thường được làm trên cây cao, thợsăn kiến phải leo lên mới bắt được tổ.

Tuy nhiên việc bắt kiến không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tổ kiến bị vỡ, kiến tràn ra ngoài.

Kiến vàng trưởng thành, kiến con, trứng kiến nằm lăn lóc trên đất.

Ông Nay Mơ (buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) dùng tay không bắt kiến.

Cả tổ kiến được bắt bỏ vào bao mang sẵn.

Kiến vàng và trứng kiến được rang sơ trên chảo nóng rồi loại bỏ phần rác, lá cây.

Kiến vàng và trứng kiến đã được làm sạch, chuẩn bị chế biến muối kiến vàng.

Kiến vàng và trứng kiến được giã cùng một số gia vị khác như muối, ớt rừng, lá thèn len…

Muối kiến vàng được giã vừa phải, không quá nát để tránh chảy nước, mất hương vị của muối kiến.

Muối kiến vàng có vị chua, mặn nên có thể ăn không hoặc ăn chung với cơm trắng, rau luộc, thịt luộc, thịt bò…..
Theo Baogialai.com.vn
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẵn sàng chào đón du khách
Những năm gần đây, khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ngày một tăng. Đề cập đến chiến lược thu hút khách qua việc mở rộng và phát triển các tour du lịch sinh thái, ông Nguyễn Văn Hoan-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho biết:
Đến nay, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã bước đầu hình thành một số tuyến du lịch sinh thái như: tham quan quần thể cây đa cổ thụ; chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh cao 1.748 m-nóc nhà của cao nguyên Pleiku; đỉnh Đá trắng-địa điểm lý tưởng quan sát voọc chà vá chân xám và hệ thống thác 3 tầng, thác 95, Nàng Tiên, Kon Lốc hay tham quan Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật.
Thác Kon Lốc.
Ngoài hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động-thực vật quý hiếm, đặc hữu thuộc danh mục Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ thế giới, Vườn còn có hệ thống sông suối và đặc biệt là một số thác nước rất hùng vĩ, cảnh quan đẹp mắt. Đặc biệt, tại khu vực vùng đệm hiện có 23 làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Với những lợi thế về thiên nhiên, các giá trị về văn hóa-lịch sử, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tôi cho rằng việc mở tuyến, điểm tham quan tại đây là một trong những giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách.
Thêm một thuận lợi nữa là Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 637/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm đưa ra những định hướng, các giải pháp khai thác tiềm năng du lịch sinh thái to lớn, sẵn có này. Đặc biệt, việc tổ chức thu phí tham quan được thông qua, sẽ giúp Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh kịp thời tiếp nhận nguồn kinh phí bền vững để tái đầu tư cho công tác phát triển du lịch sinh thái cũng như bảo tồn và phát triển rừng, đồng thời cũng là cơ sở để quảng bá rộng rãi hình ảnh, tầm quan trọng của Vườn Di sản ASEAN đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế.
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật.
Việc từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tuyến du lịch, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn sẽ làm cơ sở giúp nơi đây trở thành một trong những điểm đến tiêu biểu cho du lịch sinh thái của Việt Nam; đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ngày càng tăng của du khách. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích đối với người dân bản địa, gắn với phát triển du lịch sinh thái; tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm thông qua các dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Với tiềm năng sẵn có và sự đầu tư một cách bài bản, chiến lược, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẵn sàng chào đón du khách đến tham quan, nghiên cứu.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : Hiệu trưởng tố bị giáo viên đe dọa tính mạng vì xếp hạng thi đua