Đường vào thủy điện Đắk Sin 1 bị sạt lở nặng.
Đắk Nông: Sau Đắk Kar, thủy điện Đắk Sin 1 gặp sự cố, đang bị cô lập
Trong khi thủy điện Đắk Kar chưa khắc phục xong nguy cơ vỡ đập thì tại huyện Đắk R’lấp lại xuất hiện một thủy điện khác gặp sự cố đe dọa người dân vùng hạ du.
Đến sáng nay (10-8), đường vào Nhà máy thủy điện Đắk Sin 1 (huyện Đắk R’lấp) bị sạt lở nghiêm trọng, không thể tiếp cận thủy điện.
Vỡ đường ống áp lực
Theo cơ quan chức năng, mưa lũ nhiều ngày qua khiến cho nhà máy thủy điện bị tê liệt hoàn toàn. Lượng mưa lớn làm đường giao thông dẫn vào nhà máy bị sạt lở, đất đá vùi lấp đường giao thông đi vào nhà máy.
Nhà máy đang ngưng hoạt động và nơi đây đang khẩn trương tìm cách khắc phục sự cố vỡ một đoạn đường ống áp suất của thủy điện. Theo đánh giá, tại thời điểm này, mưa vẫn tiếp tục, lượng nước vẫn đang cao và việc khắc phục sự cố cần phải có thời gian.
Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cho biết, Công ty Cổ phần VRG Đắk Nông có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo về việc xả lũ khẩn cấp, sự cố vận hành điều tiết chống lũ, vỡ đập thủy điện Đắk Sin.
Theo báo cáo nêu, nguyên nhân do mưa lớn, lượng nước về nhiều gây vỡ đường ống áp lực làm hư hỏng tuyến năng lượng. Nhà máy phải ngừng phát điện, xã lũ khẩn để đảm bảo an toàn.

Những ngày qua, mưa lũ làm thiệt hại nặng ở Tây Nguyên. Ảnh HT
Vì sao thủy điện Đắk Kar gặp sự cố?
Về sự cố tại thủy điện Đắk Kar, Chủ đầu tư thủy điện Đắk Kar (Đắk R’lấp, Đắk Nông) lý giải nguyên nhân bị kẹt van thủy điện là do cây củi, cây gỗ trôi về kẹt vào phay tràn. Ngày 10-8, ông Lê Viết Thuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết như trên. Tuy nhiên theo ông, lúc cơ quan chức năng đi kiểm tra thì không thấy cây cối nào bị kẹt
“Lượng nước lớn như vậy mà nâng phay tràn bằng thủ công thì không thể và cố kẹt van tại hồ thủy điện đến nay chưa khắc phục được. Hiện mức nước trong hồ đã giảm xuống, lượng mưa cũng đã giảm. Tuy vậy trong thời gian tới nếu có mưa lớn thì nguy cơ vỡ đập vẫn hiện hữu. Nếu xảy ra trường hợp vỡ ống áp lực tại thủy điện này thì hậu quả vô cùng khôn lường, có thể ảnh hưởng rất nặng đến người dân” ông Thuận nói.

Công nhân đang khắc phục sự cố ở thủy điện Đắk Kar. Ảnh ĐH
Trong khi đó, ông Chu Văn Quyền, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đắk Kar cho biêt, hiện công nhân đã cắt được những cây gỗ bị kẹt trong phay tràn. Sự cố kẹt van tại thủy điện Đắk Kar sắp được xử lý xong. “Đến thời điểm này, công nhân đang xả nước trong lòng đập qua ba cửa xả là ống xả kiệt, ống dẫn nước ngang và phần trên van xả đầy. Đến chiều ngày 9-8, lượng nước đã hạ nên ít có nguy cơ vỡ đập thủy điện” ông Quyền nói.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Đắk Nông cho biết công trình này đang xây dựng, sắp tới cơ quan chức năng sẽ tiến hành đánh giá và kiểm tra các quy trình hoạt động của nhà máy thủy điện Đắk Kar.

Một góc thủy điện Đắk Kar đang xã lũ. Ảnh ĐH
Trước đó, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã ký công điện khẩn gửi các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng cùng Bộ Công thương và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, để cảnh báo nguy cơ vỡ đập thủy điện.
Theo báo cáo từ tỉnh Đắk Nông, công trình hồ thủy điện Đắk Kar tại huyện Đắk R’Lấp có dung tích 13 triệu mét khối hiện trong thời gian thi công nhưng đang gặp sự cố kẹt cửa van. Do ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua, nước đã tràn qua đập, gây sạt lở ở vị trí chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các khu vực dân cư ở các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng, đặc biệt trong điều kiện khu vực được dự báo còn tiếp tục có mưa lớn từ 800 – 100 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm.
Theo Plo.vn
Mưa khủng khiếp ở Đắk Nông, nhà máy thủy điện tê liệt, cần có trực thăng ứng cứu
Sau nhiều ngày mưa lớn, đường đi vào Nhà máy thủy điện Đắk Sin 1 (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) bị sạt lở khiến giao thông tê liệt, có trực thăng mới vào được.
Ngày 10/8, ông Đinh Xuân Nhơn, Giám đốc Nhà máy thủy điện Đắk Sin 1 (xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) xác nhận, mưa lũ nhiều ngày qua khiến nhà máy thủy điện này bị tê liệt hoàn toàn.

Mưa lớn, nhiều tuyến đường vào nhà máy thủy điện bị sạt lở.
Theo ông Nhơn, lượng mưa lớn làm hệ thống đường giao thông dẫn vào nhà máy bị sạt lở, đất đá làm đường giao thông đi vào nhà máy tê liệt, mọi người sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.
“Nhà máy hiện đang ngưng hoạt động và khẩn trương tìm cách khắc phục sự cố vỡ một đoạn đường ống áp suất của thủy điện. Tại thời điểm này, mưa vẫn đang kéo dài, lượng nước dâng cao, việc khắc phục sự cố vừa xảy ra đòi hỏi phải có một thời gian.
Bên cạnh đó, đường giao thông cục bộ đi lại khó khăn, các phương tiện không đi lại được, giờ chỉ có trực thăng mới tiếp cận vào được nhà máy thủy điện, do núi đang bị sạt lở nghiêm trọng”, ông Nhơn chia sẻ.

Cây cối, lượng nước ở khu vực đang bị sạt lở.
Trước đó, sáng 8/8, thủy điện Đắk Sin 1 xảy ra sự cố kẹt van nên đơn vị này buộc phải xả lũ khẩn cấp. Hiện vẫn duy trì xả lũ bằng việc mở cửa xả nước đến khi cơ quan chức năng có thông báo lũ tan.
Lưu lượng nước xả khẩn cấp về hạ lưu mức lớn nhất là 126 m3/s. Dung tích hồ chứa hiện tại là 11,8 triệu m3.
Sáng 9/8, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông trực tiếp kiểm tra hiện trường tại Công trình Thủy điện Đắk Kar (xã Hưng Bình và Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp) có dung tích thiết kế 13 triệu m3 nước, đang trong quá trình thi công và xảy ra sự cố kẹt van xả đáy, khiến mực nước hồ dâng cao, nguy cơ mất an toàn.
Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công và các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp phải hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra, đồng thời khắc phục sự cố trên.
Theo Vtc.vn