Chỉ mất khoảng 10 phút chạy xe máy từ ngã ba Hàm Rồng về hướng Chư Sê, chúng ta sẽ bắt gặp một cánh đồng xanh vời vợi nằm ngay cạnh kho xăng dầu Bắc Tây Nguyên. Nơi đây, thảm hoa xuyến chi tinh khôi sắc trắng vẫn được coi là địa điểm lý tưởng cho những shoot ảnh cưới, ảnh kỷ yếu… của các bạn trẻ. Nhưng tìm đến đây một lần, có lẽ bạn sẽ khám phá ra nhiều điều hơn thế nữa.
Đồng xanh chiều loang gió
Chỉ mất khoảng 10 phút chạy xe máy từ ngã ba Hàm Rồng về hướng Chư Sê, chúng ta sẽ bắt gặp một cánh đồng xanh vời vợi nằm ngay cạnh kho xăng dầu Bắc Tây Nguyên. Nơi đây, thảm hoa xuyến chi tinh khôi sắc trắng vẫn được coi là địa điểm lý tưởng cho những shoot ảnh cưới, ảnh kỷ yếu… của các bạn trẻ. Nhưng tìm đến đây một lần, có lẽ bạn sẽ khám phá ra nhiều điều hơn thế nữa.
Nằm ngay trên quốc lộ 14, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 18 km về hướng Tây Nam, không khó để nhận ra dải đồng xanh trải mình với hằng hà sa số những tia nắng giữa một buổi chiều loang gió. Càng về chiều, sợi nắng càng mềm đi, màu xanh của cánh đồng chợt trở nên xao xuyến lạ. Những tưởng, chỉ có thảm hoa xuyến chi líu ríu nơi chân trời một sắc trắng bâng khuâng nhưng về đây, đứng giữa vẻ điệp trùng của gió thổi mây bay, chúng ta còn được tận mắt ngắm nhìn miền trời óng xanh của từng vạt lá cây mè ngoan hiền nằm nép bên nhau. Rồi những tràng hoa 5 cánh hợp thành hình chuông, mơn mởn trôi dạt giữa dòng xanh. Đắm mình giữa hoa cỏ, bao giờ cũng đem lại cho ta một cảm giác thật sự nhẹ nhõm và bình yên.
Con đường đất đỏ dẫn lối vào, chia cánh đồng thành hai mảng ngắt xanh, bên nào cũng được ươm màu nhựa sống. Đã vào hạ lâu lắm, nhưng sao khi dừng chân chốn này, ta cứ ngỡ đất trời cao nguyên vẫn còn xuân. Phải chăng, nơi nào có bàn tay canh tác của con người, có hoa cỏ xôn xao là nơi ấy có mùa xuân. Cứ thế, rồi sắc xuân sẽ theo suốt dặm dài quê hương, đất nước. Cứ thong dong ngắm đàn bò đang nhởn nhơ với cỏ cây, những cánh bướm vàng cứ thổn thức bay sau ngày ròng sương mà thấy yêu quê nhà quá đỗi. Đừng mong đợi điều gì quá xa xôi. Về đây, chỉ cần một ánh nhìn cũng đủ nhóm lên niềm vui son trẻ. Càng say lòng với cánh đồng xanh, lòng chợt ngẩn ngơ tiếc nuối khi mặt trời lặn sớm.
Có cảm giác buổi chiều ở đây thật ngắn. Từng làn mây trắng dìu nhau về phía cuối trời. Biển lá hoa vẫn xanh niềm khát vọng và ẩn chứa trong mình vô vàn bí mật. Đặt mình vào khung cảnh thiên nhiên ấy, ta chợt nhận ra mình nhỏ bé, hữu hạn trước sự chảy trôi không ngừng của cuộc sống và không thôi khát khao được hòa mình vào với đất trời. Đứng lặng giữa đồng xanh, nhìn về phía hun hút xa kia, thấy mây ngàn biền biệt, gió núi miên man, thấy tuổi trẻ nằm trong tim và muốn cất bước về phía trước. Phía ngoài kia là những dãy nhà cao tầng, là những con đường mới dựng, là nhộn nhịp cộ xe, nhưng cánh diều của cậu bé nào mới thả phía đồng xanh đã nhắc nhớ mỗi người rằng: Quê hương là đây! Thôn dã là đây!
“Dấn thân” vào mỗi chuyến đi là một cách để vượt thoát những ngột ngạt thường có trong cuộc sống. Một cánh đồng xanh như thế trên miền đất Gia Lai thương nhớ sẽ là một vùng trời mới mà ở đó, bạn có thể hóa thân vào đôi cánh của chim trời để mở tung cánh cửa tâm hồn, để bay vào khoảng trời trong ngần và mặc cho nắng vô tư rọi lên làn da của mình. Thế giới muôn màu thu vào tầm mắt!
Những ngày này, Gia Lai thường đón những cơn mưa cuối chiều. Thế nên nếu du khách gần xa trót phải lòng với cánh đồng xanh này thì cũng nên tranh thủ quay trở về trước khi bầu trời sũng ướt. Nhưng đừng quên dành một lời chào hay ánh cười hồn nhiên đến bà con lao động trên cánh đồng trước khi rời bước. Bóng dáng của những con người ấy cứ thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện, tạo nên nét chấm phá riêng có, đẹp đẽ cho bức tranh thiên nhiên.
Hẹn với cánh đồng xanh thêm thật nhiều lần quay trở lại. Để biết nơi đây sẽ tuyệt diệu như thế nào vào một sớm bình minh hay hoàng hôn tắt nắng. Và, thêm một lần khám phá là thêm một lần tự hào về vẻ đẹp của quê hương.
Theo Baogialai.com.vn
Bên dòng Đak H’Way
Một ngày cuối năm 2017, tôi tranh thủ về thăm anh chị em, bạn bè một thời trong căn cứ K8 (An Khê) trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà: 30-4-1975. Các anh Huỳnh Văn Vang và Đinh Văn Niềm đưa tôi vào thăm lại làng Bung (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ ngày nay). Khu vực làng Bung định cư bây giờ là một trong những điểm đầu nguồn con nước H’Way, nơi không xa lạ với chúng tôi, những người chiến sĩ năm xưa, nhưng lại có bao điều bất ngờ khiến tôi cứ ngơ ngác nhìn, âm thầm suy nghĩ, lặng lẽ lục vấn trong ký ức của mình về vùng đất chúng tôi đã từng sống một thời bom đạn…
Một góc xã Ya Hội, huyện Đak Pơ ngày nay. Ảnh: Đức Thụy
Ngày trước, chúng tôi gọi Đak H’Way là sông. Đak H’Way được hình thành bởi một số dòng suối xuất phát từ những khe, những hóc vùng Nam đỉnh đèo An Khê, phía Tây Bắc huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Mùa không mưa lũ, dòng nước trong xanh, ẩn mình uốn lượn dưới những tán rừng già quanh năm xanh biếc và chứa trong mình nhiều loại gỗ và sản vật, chim muông dưới tán cây rất quý hiếm. Mùa lũ, con nước lớn mang phù sa bồi đắp cho hai bờ dọc theo những triền núi chạy dài cho đến khi tụ vào dòng sông Ba, đổ ra biển Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Mùa khô, con nước hiền từ lững lờ trôi, mang trong mình biết bao nhiêu loài hải sản, kể cả rùa, ba ba, đặc biệt là cua đinh, có những con cua đinh to như nong phơi lúa dưới miền xuôi. Các cộng đồng Bahnar từ bao đời, dẫu có du canh du cư nhưng vẫn gắn bó với dòng Đak H’Way này. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, bộ đội ta có những thời gian chọn vùng đất dọc con sông ấy để đứng chân, dẫu được bà con Bahnar trong vùng cưu mang, đùm bọc, che chở, nhưng dòng H’Way này vẫn là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm và thực hiện “sứ mệnh”: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Anh Vang đưa tay khoanh một vùng về hướng trước mặt chúng tôi và nói: “Khu vực ruộng, rẫy, vườn, nhà… phía đó, trước đây là Hố Đak”. Tôi còn nhớ như in, vùng Hố Đak là rừng nguyên sinh, ở đó rất nhiều gỗ quý như: cà te, giáng hương và các loại cây cho quả có giá trị, trong đó có cây đak (còn gọi là cây đak toac, cây đoac). Phải chăng vì vùng rừng này có nhiều cây đak mà người xưa đặt tên Hố Đak? Sau Hiệp định Paris (năm 1973), cơ quan Huyện ủy K8 chuyển về ở bên bờ sông H’Way. Quanh khu vực chúng tôi ở khi ấy có rất nhiều cây cà te, một trong những loại gỗ quý. Cạnh đó là một hồ nước, tựa như cái “bùng binh” to, rộng và sâu, mùa khô nước vẫn đầy ắp và trong veo. Quanh hồ này là những cây cổ thụ, có hình dạng như… bonsai, oằn mình ra giữa lòng hồ, là nơi anh em chúng tôi thả sức bơi lội, vùng vẫy hàng ngày và đặc biệt hơn, hồ gần như một vựa cá mà tự nhiên ban tặng cho chúng tôi. Ở quanh khu vực này còn có rất nhiều cây dầu rái cổ thụ. Dầu của nó là một trong những nguyên liệu để chúng tôi chế ra một loại mực in tuyệt hảo dùng để in truyền đơn, tài liệu trên bảng đá viết chữ ngược.
Phía thượng nguồn H’Way, rừng núi ở khu vực ấy gần như bao đời chưa có người khai phá. Chim, thú ở đây nhiều vô kể, khỉ, voọc, vượn từng đàn; heo, gấu, nai… đến mùa lửa rừng, chúng tập hợp từng bầy gặm tro tàn từ tranh ở những điểm vừa cháy. Đặc biệt là voi, có một hôm lính Mỹ phát hiện một đàn voi, có lẽ chúng nhầm tưởng voi vận tải của ta nên đã huy động hàng chục chiếc máy bay trực thăng “chiến đấu” với voi cả ngày. Tôi còn nghe đồn từ các chiến sĩ Trung đoàn 12 Quân giải phóng đứng chân ở vùng rừng này, rằng họ đã từng gặp… dấu chân của người rừng. Sau này, có người của làng Bung giải thích, đó là dấu chân của loài đười ươi.
Xin kể thêm một chút về anh Vang. Anh cùng quê với chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, vùng đất nằm về phía Tây Bắc Bình Định, cũng là nơi địa linh nhân kiệt. Một ngày nọ, đâu khoảng giữa năm 1972, lãnh đạo gọi tôi và giao nhiệm vụ “đào tạo” anh ấy để trở thành người thay tôi làm các công việc liên quan đến đánh máy chữ, ghi tin chậm, viết chữ ngược lên bảng đá, in ấn truyền đơn, tài liệu, kẻ vẽ pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền… Vốn cũng là xứ nẫu, anh em chúng tôi nhanh chóng kết thân. Anh chăm chỉ làm việc theo sự hướng dẫn của tôi.
Anh Vang nhớ rất kỹ và nhiều về vùng Hố Đak, Đak Pơ, An Khê là bởi lẽ, anh “bám trụ” ở vùng đất này cho đến bây giờ. Còn tôi, sau Hiệp định Paris theo sự điều động của cấp trên, tôi đã phải chia tay với đồng đội, với nơi đầy ắp kỷ niệm một thời… Trước khi nghỉ hưu, anh là Bí thư của một phường thuộc thị xã An Khê. Vốn có tính cách cần cù, chịu khó học hỏi, nên ở cương vị công tác nào anh cũng hoàn thành.
Mỗi lần trở lại xã Ya Hội, tôi thêm vui mừng vì bà con ta, Bahnar cũng như các dân tộc khác có cuộc sống đổi thay, no ấm và yên bình. Cùng với “sự vui mừng” là ký ức một thời lửa đạn ùa về, bao đồng đội, đồng chí, đồng bào nằm lại trên mảnh đất này; vốn là nơi đã từng “rừng xanh, nước biếc”, giờ còn lại chỉ là những đồi cây công nghiệp và cây nguyên liệu. Dòng nước biếc năm xưa từ con sông H’Way, giờ chỉ còn lại là một khe suối nhỏ, con nước mùa chúng tôi về chỉ là những con lạch ẩn mình trong những ghềnh đá, bờ tre… Hai anh Vang và Niềm cùng có chung câu trả lời khi tôi hỏi về những loài cây quý, những đàn chim, thú hiếm vốn đã từng tồn tại ở những cánh rừng bạt ngàn bao đời nay: “Giờ tìm đâu ra những thứ cây quý và chim thú hiếm như anh hỏi, nó đã thành dĩ vãng rồi”. Cho nên, H’Way giờ trở thành… dòng sông khô là điều không khó hiểu!
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : Vụ tranh chấp đất vàng ở Gia Lai: Phó Thủ tướng chỉ đạo lần 2