Tin mới
Giá cà phê đã phục hồi bằng tuần trước
Giá cà phê bất ngờ tăng trở lại; cao su, hồ tiêu, lúa gạo biến động
Phiên giao dịch ngày 10/5, cà phê trong nước và thế giới bất ngờ hồi phục, tăng giá mạnh. Trong khi đó, mặt hàng cao su, hồ tiêu và lúa gạo có xu hướng biến động giá.
Cà phê tăng 1.100 đồng
Phiên giao dịch hôm nay, thị trường cà phê trong nước bất ngờ tăng giá mạnh. Hiện, mặt hàng này dao động mức 31.100 – 31.900 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê đã hồi phục bằng tuần trước sau nhiều phiên liên tiếp giảm giá.
Cụ thể, trên bảng giá trên trang web của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, giá cà phê tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) tăng lên 31.100 đồng/kg (tăng 1.100 đồng/kg). Giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà tăng lên mức 31.200 đồng/kg.
Địa phương có giá cà phê cao nhất nước là huyện Cư M’gar, Ea H’leo (Đắk Lắk), ở mức 31.900 đồng/kg sau khi tăng 1.100 đồng/kg.
Khu vực tỉnh Gia Lai cà phê tăng 1.100 đồng/kg lên mức 30.500 đồng/kg. Tại tỉnh Kon Tum và Đắk Nông, cà phê cũng tăng 1.100 đồng/kg lên mức 30.600 đồng/kg.
Cà phê thế giới cũng bất ngờ tăng giá
Trong khi đó, cà phê thế giới cũng có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, giá cà phê robusta giao tháng 7/2019 trên sàn Robusta (ICE Futures Europe) đang ở mức 1.345USD/tấn, tăng 55 USD. Mức giá này bằng với phiên giao dịch tuần trước.
Giá cao su thế giới tăng trở lại
Phiên giao dịch ngày 10/5, giá cao su thế giới bất ngờ giảm. Cụ thể, cao su trên sàn Tocom (Tokyo – Nhật Bản) giao tháng 5/2019 lúc 10 giờ ngày 10/5 (giờ Việt Nam) đang có giá 190,3 yen/kg (tương đương 1.700 USD/tấn) bằng với phiên giao dịch trước.

Cao su thế giới tăng nhẹ ở một số sàn
Cao su trực tuyến tại Thượng Hải giao tháng 5/2019 đang có giá 11.660 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1.711,51 USD/tấn) tăng 160 nhân dân tệ so với phiên trước là 11.500 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1.688,03 USD/tấn).
Hồ tiêu thế giới giảm giá
Ngày 10/5, mặt hàng nông sản hồ tiêu trong nước vẫn tiếp tục đi ngang. Cụ thể, giá mặt hàng này vẫn dừng ở mức trung bình từ 44.500 – 45.000 đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, mặt hàng nông sản này vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Hồ tiêu thế giới tiếp tục giảm giá
Trong khi đó, hồ tiêu thế giới liên tiếp có thêm phiên giảm giá. Cụ thể, hồ tiêu giao ngay trên sàn Kochi (Ấn Độ) lúc 10 giờ ngày 10/5 (theo giờ Việt Nam) đang ở mức 37.100 USD/tấn, giảm 450 USD so với phiên giao dịch trước.
Giá lúa, gạo biến động
Phiên giao dịch hôm nay, giá lúa gạo trong nước có nhiều biến động. Cụ thể, lúa tươi IR 504 (đang thu hoạch) có giá 4.700-4750 đồng/kg. Gạo NL IR 504 giảm 25 đồng về mức giá 6.850-6.900 đồng/kg. Gạo TP IR 504 có giá 7.950 đồng/kg.
Thị trường lúa gạo trong nước ổn định
Trong khi đó, gạo NL OM 5451 mới có giá 7.700 – 7.900 đồng/kg. Tấm IR 504 có giá 6.450 – 6.500 đồng/kg. Mặt hàng cám vàng tăng 50 đồng lên mức 5.550 – 5.600 đồng/kg.
Mặc dù giá lúa, gạo trong nước có xu hướng tăng ở một số loại nhưng nông dân vẫn không được vui mừng. Theo đó, nhiều hộ dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trồng các giống IR504, OM 5451… sản lượng lúa giảm đến 30% nên dù tăng về giá nhưng lượng giảm vẫn khiến thu nhập của người nông dân không cao.
Theo Thegioitiepthi.vn
Vợ giám đốc lâm nghiệp chiếm đất rừng: ‘Xin cũng ngại’
Ông Bình cho rằng, ông thấy rất buồn và ân hận khi để xảy ra việc bà Thủy chiếm đất rừng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp.
Ông Dương Thanh Bình – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ka Nak (thị trấn Kbang, Gia Lai) cho báo Đất Việt biết thông tin trên vào ngày 9/5.
“Lúc mới trồng bà Thủy (bà Lê Thị Thủy, vợ ông Bình) giấu tôi, mãi sau tôi mới biết. Nếu tôi biết trước ngay từ đầu thì có lẽ đã không xảy ra sự việc như thế. Hiện giờ tôi thấy rất ân hận”, ông Bình nói.
Nói về nguồn gốc đất này, ông Bình cho biết, trước đây, diện tích đó là đất trống, người dân tăng gia sản xuất nhưng do nắng nóng không hiệu quả nên người dân bỏ hoang.
Ngoài cây ăn quả bà Thủy còn trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu… Ảnh: Dân Việt
“Cũng vì bà Thủy nghĩ đơn giản đấy là khu đất bỏ hoang nên mới trồng cây như vậy. Bà ấy giấu tôi bởi bà ấy nghĩ xin cũng ngại. Sau khi bà Thủy trồng cây được hơn 1 tháng thì người ta kiện nên có dừng lại và không chăm bón gì ở đó nữa. Sau khi kiểm tra lại mới biết diện tích đất đó nằm trong quy hoạch nên chúng tôi đã thu hồi lại để trồng rừng”, ông Bình cho biết thêm.
Cũng theo ông Bình, hiện tại số cây đã trồng vẫn để đó, đợi đến mùa mưa ai muốn xin lại thì ông cho vì giờ nhổ bỏ đi cũng rất phí.
Về thông tin ông Bình để đội bảo vệ công ty trồng keo, vị giám đốc này cho rằng: “Đây là do tôi tạo điều kiện trên khoảng đất trống để anh em trồng tăng thêm thu nhập”.
Như báo chí đã phản ánh, từ cuối năm 2017, bà Thủy đã tiến hành lấn chiếm 1,26ha đất (trong đó 0,5ha đất rừng tự nhiên, 0,5ha đất rừng, 0,26 ha đất nông nghiệp thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ka Nak). Bên cạnh đó, chính ông Bình tự ý cho đội bảo vệ công ty trồng keo trên đất rừng với diện tích 1,256ha.
Đến cuối năm 2018, sau khi nhận được đơn tố cáo về việc gia đình ông Bình tự ý lấn chiếm đất rừng để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngay trên lâm phần của ông Bình quản lý, UBKT Huyện ủy Kbang đã đi thực tế để kiểm tra.
Theo kết luận của UBKT Huyện ủy Kbang, trong lâm phần do ông Bình quản lý đang có thực trạng ngang nhiên chặt cây rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích khoảng 3,2 ha để trồng cây ăn trái và các cây khác (tại Khoảnh 7, Tiểu khu 124, thuộc Lâm phần của Công ty Ka Nak quản lý, bảo vệ).
Cũng theo kết luận của UBKT Huyện ủy Kbang, năm 2014, khi đo đạc, rà soát và lập bản đồ kiểm kê diện tích rừng thì ông Bình đã tự ý đưa số diện tích bị lấn chiếm trên ra ngoài lâm phần quản lý.
Về việc này, bà Đinh Thị Nghen – Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Kbang cho hay: “Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh có sự việc ông Bình sai phạm như nội dung đơn thư người dân tố cáo. Ngay sau đó, cơ quan đã họp và quyết định kỷ luật khiển trách về mặt Đảng với cá nhân ông Bình. Đồng thời, Huyện ủy đã yêu cầu công ty phải thu hồi diện tích bị lấn chiếm trái phép, trồng tái tạo lại rừng”.
Theo Baodatviet.vn
XEM THÊM : Thương lái Trung Quốc mua vỏ thông số lượng lớn ở Gia Lai