Gia Lai: Cuộc sống du mục’ của người nuôi ong lấy mật ở rừng
Ong sống trong những chiếc thùng bằng gỗ giữa rừng cao su Gia Lai, được người dân chăm sóc mỗi ngày để lấy mật.

Cao su tại các nông trường ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vào mùa thay lá cách đây gần một tháng. Trên đường dẫn vào thác Mơ, du khách sẽ bắt gặp hàng trăm chiếc thùng gỗ được người dân xếp đều tăm tắp như những hàng cao su cao vút.
“Cây cao su thay lá cũng là lúc vụ thu hoạch mật ong bắt đầu. Cuống lá cao su vào thời điểm này cho rất nhiều mật”, một người nuôi ong có kinh nghiệm hơn 10 năm cho biết.

Ông Giang hiện 46 tuổi. Cách đây hơn 9 năm, ông bắt đầu nghề nuôi ong tại một nông trường cao su ở Ia Krai, huyện Ia Grai. Theo ông, cuộc sống của người làm nghề nuôi ong không khác gì “những kẻ du mục”. “Cứ dăm ba tháng, tôi hay những người nuôi ong lại phải ‘dời nhà’ một lần. Hoa ở đâu thì chúng tôi phải mang ong đến ở chỗ đấy để ong dễ dàng lấy mật.”, ông nói. Lán, nơi chủ trại ở, được dựng lên sát các thùng nuôi.

Những tổ ong được di chuyển trong đêm. Trại ong của ông Giang hiện có 300 thùng, đặt ở giữa một rừng cao su. Như nhiều nơi khác ở Tây Nguyên, ong tại trại này thuộc giống ong Ý. Đây là loài cho sản lượng mật cao.
Tuỳ theo từng mùa mà thời gian khai thác mật ong sẽ thay đổi. “Ong mạnh thì chăm khoảng 8 ngày là có thể thu hoạch, nhưng cũng có đàn mất 15 ngày mới có thể lấy mật”.

Những chiếc thùng được sơn để bền hơn. Thường các tủ được người dân đặt ở nơi khuất gió để đàn ong không bị ảnh hưởng.

Mỗi thùng đều thiết kế một khe ở dưới để làm lối đi cho bầy ong.

Ông Giang kể, hiện mật tự nhiên còn rất ít nên mỗi ngày ông phải cho ong ăn. Thành phần của thức ăn được làm chủ yếu từ đường và đậu nành, giã nhuyễn và trộn đều với nhau.

Người nuôi sẽ dùng bình xịt khói tạo nên từ lá cây khô để đuổi ong bay ra khỏi đàn lúc cho ăn hoặc lấy mật.

Ong sau khi ăn no sẽ quay về tổ bên dưới để tạo mật. Theo ông Giang, trung bình khoảng 50 cầu ong cho ra gần 20 lít mật.

Mật ong của bầy nuôi trong rừng cao su thường có màu vàng nhạt, mùi thơm và vị ngọt dịu. “Khoảng 2 năm trở lại đây, giá mật bán ra rớt xuống gần một nửa. Nếu trước đây giá khoảng 60.000 đồng một lít, bây giờ chỉ còn hơn 40.000 đồng”, ông Giang nói.
Gia Lai thu hút du khách bởi cảnh sắc núi rừng hoang sơ, văn hoá bản sắc của đồng bào Tây Nguyên và nét ẩm thực độc đáo. Mời bạn đọc đón xem loạt bài Khám phá những nẻo đường Gia Lai tại VnExpressmỗi ngày từ 25/3 đến 4/4.
Theo Vnexpress.net
Công ty bán giống dỏm cho dân hứa đền bù rồi “chạy làng”
Hàng trăm hộ dân ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) mua giống chanh dây Công ty Tuấn Đại An trồng nhưng không có quả. Sau cam kết bồi thường thiệt hại, tuy nhiên đã gần 2 năm, người dân vẫn chưa nhận được đồng nào, còn công ty “lặn” mất tăm.
Bán giống chanh dây dỏm cho nông dân
Trước đó, Báo Công an TP.HCM đã nhận được phản ánh của nhiều hộ dân ở huyện Chư Pưh có tham gia ký kết “hợp đồng bao tiêu sản phẩm” với Công ty TNHH Tuấn Đại An (Công ty Tuấn Đại An) trụ sở số 38 Lý Nam Đế, TP.Pleiku, Gia Lai nhưng bị bội ước.
Công ty Tuấn Đại An bán giống dỏm, thuốc không nhãn mác khiến chanh dây không có quả, dân phải phá bỏ. Công ty Tuấn Đại An đã thu 1 nửa tiền giống và tiền bán vật tư của người dân.
Khi PV Báo Công an TP.HCM vào cuộc thì nhận thấy những nội dung phản ánh của người dân là có cơ sở, phía Công ty Tuấn Đại An cam kết hoàn trả tiền cho người dân.

Năm 2016, người dân mua giống chanh dây Công ty Tuấn Đại An nhưng cây không có quả
Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã ra văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Gia Lai, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Chư Pưh nhanh chóng kiểm tra, xác minh nội dung mà báo và người dân phản ánh.
Theo đó, yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị kiểm tra, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Long Khánh – Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh cho biết, đơn vị đã phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai xác minh, kiểm tra thực tế.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Tuấn Đại An không có đăng ký ngành – nghề sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Qua kiểm tra tại các vườn chanh dây của người dân mua giống công ty này, cây phát triển bình thường, có ra hoa nhưng không đậu quả.
Ngoài ra, Công ty Tuấn Đại An bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Các chai thuốc đã bị người công ty lột hết nhãn mác nên không xác định được sản phẩm đó là loại hàng hóa gì.
“Đoàn kiểm tra xác định nội dung đơn người dân tố cáo Công ty Tuấn Đại An là đúng sự thật. Đại diện công ty cũng thừa nhận sai phạm và cam kết hỗ trợ nông dân đã mua giống”, ông Khánh thông tin thêm.
Hứa với dân rồi “lặn” mất tăm
Để khắc phục hậu quả của việc làm ăn gian dối, tại buổi hòa giải do UBND xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) tổ chức, đại diện Công ty Tuấn Đại An là bà Bùi Thị Diệu Hiền (Phó giám đốc) thống nhất phương án xóa nợ tất cả các khoản của các hộ dân tham gia trồng chanh dây; đồng thời sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà các hộ dân đã đưa cho công ty.
Số tiền Công ty Tuấn Đại An phải trả cho người dân xã Ia Blứ gần 268 triệu đồng. Thời gian công ty hứa sẽ trả tiền cho người dân là từ 30 đến 45 ngày, chậm nhất 60 ngày, tính từ ngày 1-7-2017.

Hết tiền đầu tư, người nông dân đành bỏ vườn hoang
Tuy nhiên đến nay đã gần 2 năm, chưa có 1 người dân nào nhận được bất kỳ đồng tiền hỗ trợ nào từ Công ty Tuấn Đại An. Người của công ty cũng đã “lặn” mất tăm, số điện thoại không còn liên lạc được.
Ngày 26-3, chúng tôi tìm đến trụ sở công ty số 38 Lý Nam Đế, TP.Pleiku nhưng được người dân cho biết, công ty thuê nhà và đã trả lại, hiện không rõ đi đâu.
Ông Trần Văn Ninh (ngụ thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) cho biết, vào cuối năm 2016, ông thay mặt 4 hộ dân khác đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Tuấn Đại An. Theo hợp đồng, ông Ninh mua 1.200 cây giống với giá 28.000/cây.
“Thời điểm đó, hồ tiêu của nhà chết sạch nên khi nghe có công ty về cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm chanh dây nên tôi rất phấn khởi. Sau đó, được công ty cho đi hội thảo, tham quan vườn chanh dây ở trong và ngoài tỉnh nên tôi càng tin tưởng.
Tuy nhiên sau 4 tháng trồng, lá chanh dây xanh tốt nhưng không có quả. Sau đó, phía công ty có cung cấp thêm thuốc để phun kích thích đậu quả nhưng không cải thiện hơn”, ông Ninh kể lại.

Người dân xã Ia Blứ đang bức xúc trước việc công ty hứa hết lần này qua lần khác
“Chúng tôi bị thiệt nhiều nhất không phải là tiền mua giống, phân bón. Cái chính là thiệt hại lớn khoản đầu tư về vật tư như: trụ, dây kẽm, hệ thống tưới, công cán… tính ra cả trăm triệu đồng và bỏ cả một mùa vụ chăm sóc để đổi lại trắng tay.
Trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, đại diện công ty cam kết trả lại 60 triệu đồng cho gia đình tôi. Mặc dù thiệt hại rất lớn, nhưng tôi cũng phải ngậm ngùi chấp nhận số tiền công ty cam kết trả trên giấy.
Tuy nhiên đến hạn không thấy người công ty trả lại tiền và cũng không liên lạc được”, vừa nói, ông Ninh vừa thử gọi vào số điện thoại trên hợp đồng, nhưng thuê bao không liên lạc được.
Đang đi làm, khi được tin PV về, anh Lê Đậu (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) bỏ việc, chạy đến trình bày bức xúc: “Rõ ràng, công ty đưa giống dỏm về bán cho dân, phân bón không có tem nhãn được bán giá rất cao rồi cắt đứt liên lạc là hành vi lừa dối. Người dân đã chấp nhận chịu thiệt, chỉ yêu cầu công ty bồi hoàn số tiền đã lấy của người dân.
Dù đã hứa trước người dân và lãnh đạo xã Ia Blứ, ký vào bản cam kết chậm nhất 6 tháng hoàn trả nhưng đến nay không thực hiện. Người dân sau tiêu chết, lại mua phải chanh dây dỏm nên thực sự không còn kinh phí để đi lại kiện tụng, chỉ mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc đòi lại quyền lợi cho người dân”.
Ông Nguyễn Long Khánh cho biết thêm, các cơ quan chức năng đã xác định Công ty Tuấn Đại An sai phạm. Sau đó, Công ty Tuấn Đại An đã thỏa thuận, cam kết bồi thường, giờ không thực hiện thì người dân cần khởi tiện ra tòa án. Phòng NN-PTNT cũng đã làm hết quyền hạn và chức năng, đồng thời có hướng dẫn cho xã và người dân phải khởi kiện ra tòa án.
Nói về hướng giải quyết sắp tới, ông Lê Quang Vang – Phó chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết, từ khi tham dự buổi hòa giải với người dân, Công ty Tuấn Đại An không có động thái gì để thực hiện cam kết.
Cán bộ xã đã liên hệ với số điện thoại bà Bùi Thị Diệu Hiền đại diện Công ty Tuấn Đại An nhưng số máy không còn liên lạc được, người dân đã lên tận trụ sở nhưng công ty không còn tồn tại ở đây.
Tới đây, chính quyền xã sẽ họp các hộ dân chịu ảnh hưởng từ mua giống chanh dây của Công ty Tuấn Đại An để làm đề xuất kiến nghị các cơ quan thẩm quyền giải quyết.
Theo Congan.com.vn
XEM THÊM : 16 địa điểm du lịch Pleiku đẹp nhất “không thể bỏ qua”