Gia Lai: Dân đổ cả chục tỷ đồng trồng la liệt cà gai, đẳng sâm
Dù chỉ mới triển khai trồng được gần 1 năm, song mô hình trồng cây dược liệu công nghệ cao tại xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã bước đầu thích nghi khá tốt với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Mới chỉ trồng 70% diện tích nhưng số vốn bỏ ra đã là hơn 10 tỷ đồng…
Đến thăm mô hình trồng cây dược liệu công nghệ cao tại xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê, Gia Lai) của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh nhiều người choáng ngợp trước la liệt các loại cây dược liệu quý đang được trồng tại đây.
Vườn dược liệu này được HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh (có trụ sở tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) triển khai trồng theo mô hình trang trại từ cuối năm 2018 trên diện tích cao su tái canh của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê. Sau 8 tháng, cây sinh trưởng, phát triển khá tốt và hầu như không bị sâu bệnh hại.
Giữa tiết trời khô khốc của mùa hè, những luống dược liệu xanh mướt vẫn mạnh mẽ vươn mình đón nắng.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, HTX sẽ xuống giống 40 ha cây dược liệu các loại gồm: hà thủ ô đỏ, xuyên khung, đẳng sâm, lộ đẳng sâm, đương quy, cà gai leo, đinh lăng nếp…
Cây giống đa phần được HTX lấy từ Viện Dược liệu Trung ương, sau đó tự ươm trong nhà màng và trực tiếp trồng. Hiện nay, đơn vị đã trồng được khoảng 70% diện tích (30 ha) với kinh phí bỏ ra hơn 10 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc cho dược liệu được HTX đặc biệt chú trọng. Bên cạnh thường xuyên bổ sung phân chuồng, làm cỏ sạch sẽ, HTX còn áp dụng công nghệ tưới phun mưa cho dược liệu để tiết kiệm nước, đảm bảo mức tưới chính xác và thoáng khí tốt khi phun.
Qua gần 1 năm triển khai, HTX cũng đã chủ động tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm dược liệu của mình bằng những ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Traphaco và Công ty dược phẩm Nam Hà.
Nhân công đang lao động làm đất chuẩn bị trồng cây dược liệu.
Ngoài ra, dự kiến vào đầu tháng 9 tới, HTX sẽ triển khai mô hình liên kết chuỗi sản xuất dược liệu với khoảng 10-15 hộ dân tại các xã lân cận thuộc huyện Chư Sê. Đây được xem là cơ hội tốt để người dân địa phương thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước thực trạng cà phê và hồ tiêu đang trên đà tụt dốc.
Khu trồng cây đinh lăng nếp.
Sau khi triển khai có hiệu quả trong năm nay, HTX nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh sẽ nhân rộng quy mô trồng dược liệu trên tổng diện tích 100 ha. Có thể nói, việc đầu tư và phát triển dược liệu này sẽ mở ra một triển vọng mới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong tương lai không xa.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai đầu tư trên lĩnh vực du lịch : Chú trọng tính tích hợp
Theo kế hoạch phát triển du lịch đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt, trong năm 2019, tỉnh ta sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án có tính đột phá như: sân golf và quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp; tổ hợp du lịch Biển Hồ-Chư Đăng Ya; Công viên Văn hóa các dân tộc Gia Lai; Công viên Diên Hồng; khách sạn cao cấp 4-5 sao…
Trong quá trình nghiên cứu, đánh giá các dự án trọng điểm trong kêu gọi đầu tư của du lịch Gia Lai, bà Phạm Thái Ngọc-Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) nhận định, du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm được UBND tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện trong giai đoạn 2016-2021. Lý do: phát triển du lịch ít tạo hiệu ứng tiêu cực về môi trường, xã hội nhưng lại có tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một dự án đầu tư được xem là trọng điểm, hấp dẫn nếu nó đồng thời thỏa mãn được cả 2 vấn đề gồm lợi ích của nhà đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận và lợi ích của địa phương vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Vẻ đẹp núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: internet
Trong điều kiện ngành Du lịch Gia Lai đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi hầu hết các sản phẩm du lịch còn rất đơn giản, ít dịch vụ phụ trợ, thiếu sức hút để giữ chân du khách, theo bà Ngọc, để kêu gọi được các dự án đầu tư cho du lịch thực sự hiệu quả thì cần tích hợp đa dạng các sản phẩm, từ đó mới có thể kéo dài thời hạn lưu trú và tăng mức chi của du khách. “Ví dụ, du lịch nghỉ dưỡng gắn liền xây dựng tổ hợp khách sạn, resort cao cấp tại điểm du lịch; du lịch sinh thái gắn liền với các trang trại cà phê, hồ tiêu, rừng trồng; du lịch lễ hội gắn với không gian tổ chức; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) gắn liền xây dựng trung tâm hội nghị với quy mô đủ lớn để khai thác hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Sản phẩm của dự án tổ hợp du lịch là một chuỗi liên hoàn, gắn kết, bổ sung cho nhau, đủ sức hấp dẫn, thu hút lượng du khách đa dạng trong năm, tránh việc khách du lịch chỉ tập trung vào mùa cao điểm”-bà Ngọc phân tích.
Tuy nhiên, bà Ngọc cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc kêu gọi các dự án đầu tư lớn, đặc biệt là những tổ hợp du lịch đòi hỏi vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Làm thế nào để thu hút, tiếp cận những nhà đầu tư có thực lực về vốn và quyết tâm để có thể đầu tư, khai thác những dự án tổ hợp du lịch? Trả lời cho câu hỏi này, các chuyên gia cũng cho rằng, dự án kêu gọi cần có tính khả thi cao, đặc biệt là sự hỗ trợ, đồng thuận từ chính quyền địa phương đến người dân thì mới tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng được bà Ngọc chỉ ra như một công thức để đánh giá mức độ hấp dẫn và tiềm năng của dự án như: tính đặc trưng và độc đáo, tính bền vững và kết nối…