Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii)
Gia Lai: Khoanh vùng, cô lập, tiêu diệt tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên vừa ký công văn số 1192/UBND-NL gửi các cơ quan ban ngành, UBND các huyện, TX, TP yêu cầu tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ và loài tôm hùm nước ngọt trên địa bàn.
Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở NN- PTNT, Sở TN- MT, Cục Quản lý thị trường, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn sự phát tán của loài tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus) và tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) ra môi trường tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Các ngành cần tuyên truyền phổ biến về tác hại của các loài tôm nêu trên đối với môi trường, đa dạng sinh học. Khi phát hiện có tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt xuất hiện, phát tán ra môi trường trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt theo quy định; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật dối với các trường hợp vi phạm.
Sở NN- PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ý kiến của Bộ NN- PTNT, Bộ TN- MT, kịp thời báo cáo, đề xuất cho UBND tỉnh Gia Lai xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Tôm càng đỏ (Cherax quadricanatus)
Theo Nongnghiep.vn
Gia Lai: Trên 1.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết
Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận lượng lớn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện. Theo thống kế, toàn tỉnh hiện có trên 1.100 trường hợp mắc SXH được điều trị tại cơ sở y tế, trong đó nhiều bệnh nhân được điều trị và đã xuất viện; chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH gây ra.
Cơ quan chức năng phun thuốc phòng chống dịch SXH
Ông Hồ Ngọc Gia – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết: Đến thời điểm này, SXH được ghi nhận trên toàn bộ 17/17 huyện, thị xã, thành phố với số bệnh nhân mắc sốt trên 1.100 ca. Trong đó, các địa phương đang có dấu hiệu gia tăng bệnh nhân mắc SXH nhập viện như TP. Pleiku, Chư Prông, An Khê… Riêng huyện Krông Pa dù có bệnh nhân mắc sốt cao với trên 300 bệnh nhân nhập viện, nhưng đến nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, số bệnh nhân nhập viện đang giảm dần.
Nhằm khống chế và tiến tới đẩy lùi bệnh SXH, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có số trường hợp mắc SXH cao triển khai các hoạt động phòng- chống theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương còn lại tăng cường giám sát các trường hợp bệnh và triển khai hoạt động phòng- chống theo quy định.
Hiện TP. Pleiku có trên 180 bệnh nhân mắc SXH nhập viện điều trị, có 19/23 xã, phường có bệnh nhân được ghi nhận. Nhằm hạn chế số bệnh nhân mắc mới và thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng – chống SXH”, TP. Pleiku đã triển khai phát động, tuyên truyền rộng rãi đến toàn dân trên địa bàn hiểu về nguyên nhân mắc SXH và cách phòng, chống bệnh như loại bỏ loăng quăng từ các ao tù, nước đọng…
Ngoài ra, đồng loạt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai các biện pháp truyền thông về phòng chống dịch bệnh và khuyến cáo người dân đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, Viện vệ sinh dịch tễ khu vực cùng phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai hỗ trợ các địa phương về phương tiện, vật tư y tế trong phun thuốc tại các vùng có dịch.
Theo nhận định từ cơ quan chuyên môn, theo chu kỳ 3 năm thì mùa hè năm 2019 sẽ là thời điểm có khả năng bùng phát dịch SXH trong cộng đồng tại Gia Lai. Do vậy, biện pháp phòng chống hiệu quả nhất hiện tại là diệt loăng quăng, bọ gậy và sớm đến cơ sở y tế để được chẩn đoán điều trị kịp thời khi mắc sốt.
Theo Baovanhoa.vn
XEM THÊM : Thí điểm dán phản quang trên xe ‘công nông’ ở Gia Lai