Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa để xảy ra nạn phá rừng, giao khoán bảo vệ rừng trên diện tích không có rừng.
Gia Lai: Xà xẻo tiền dịch vụ môi trường rừng
Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là bước đột phá trong việc quản lý bảo vệ rừng, tạo điều kiện để các chủ rừng triển khai phương án bảo vệ rừng bền vững, phòng chống hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiều chủ rừng đã sử dụng nguồn tiền nói trên một cách tùy tiện, không đúng mục đích, đối tượng, chi không có hóa đơn, chứng từ hàng tỷ đồng…
Rừng giao khoán bị mất
Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) khoán bảo vệ rừng ở khu vực núi Cheng Leng (xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nhưng một số diện tích là đất sản xuất dân đang canh tác nông nghiệp. Theo kiểm tra của ngành chức năng huyện Chư Sê, trong năm 2015-2016, trên lâm phần khu vực núi Cheng Leng (tiểu khu 1064, 1065, 1067, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa đã chi trả tiền khoán bảo vệ rừng (200.000 đồng/ha/năm) đối với diện tích hơn 35,58ha đất không có rừng.
Đến năm 2017, ban quản lý này vẫn tiếp tục khoán bảo vệ rừng cho diện tích trên, khi đoàn nghiệm thu phát hiện không có rừng nên không chi trả tiền DVMTR. Năm 2018, ban quản lý rừng một lần nữa giao khoán nhưng chưa chi trả tiền đối với diện tích 14,62ha đất chưa có rừng.
Ông Nay Rcom Jem, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, cho rằng việc giao khoán bảo vệ trên diện tích không có rừng ở núi Cheng Leng đơn vị này không có mục đích vụ lợi. Nguyên nhân là do diện tích rừng giao khoán nằm gần rẫy của dân, bị dân cơi nới, xâm chiếm mà đơn vị không nắm bắt kịp nên vẫn đưa diện tích này vào giao khoán…
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả giám sát chi trả tiền DVMTR. Quỹ đã phối hợp với Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan kiểm tra tại 45 đơn vị vào thời kỳ năm 2017, xác định có tình trạng rừng giao khoán bị mất. Cụ thể, đối với diện tích rừng giao khoán, hợp đồng bảo vệ với dân, có 11 đơn vị có diện tích rừng bị giảm (13,53ha). Trong đó, có 10 đơn vị diện tích rừng giảm là do dân lấn (13,05ha); một trong số đó có Ban Quản lý dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa (thuộc Tỉnh đội Gia Lai) với diện tích rừng bị giảm là 1,46ha.
Chi hàng tỷ đồng không rõ mục đích
Tại nhiều đơn vị, việc sử dụng tiền DVMTR có biểu hiện không minh bạch. Như tại xã Ia Tul (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), UBND xã Ia Tul mở 3 tài khoản tiền gửi để thực hiện các giao dịch tiền DVMTR. Quá trình giao dịch thu chi tại 3 ngân hàng này có biểu hiện lòng vòng, chứng từ, hồ sơ không đầy đủ, ghi chép không rõ ràng, minh bạch; chi trả thiếu tiền cho dân nhận bảo vệ rừng 2 năm 2016-2017; không hạch toán, kế toán, không mở sổ sách theo dõi và quyết toán tiền DVMTR.
Trước những sai phạm này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị UBND huyện Ia Pa kiểm tra toàn diện việc sử dụng tiền DVMTR ở xã Ia Tul. Còn tại xã Đắk Man (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng xác định ông A Dứa, thủ quỹ xã, đã cho các cá nhân tạm ứng số tiền hơn 57 triệu đồng nên không có tiền để thanh toán năm 2017.
Nghiêm trọng nhất là tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai). Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, việc quản lý, sử dụng nguồn thu DVMTR của đơn vị từ năm 2013-2017 có nhiều nội dung chi không đúng quy định. Với nội dung chi có tính chất chi thường xuyên, ban này đã chi không đúng hơn 1 tỷ đồng; chi tuyên truyền, trồng rừng tiểu khu 423, chi xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy, mua loa; chi hội nghị, tuần tra, phục vụ truy quét không có chứng từ, không rõ mục đích, nội dung, không có cơ sở xác định thực chi với tổng số tiền hơn 315 triệu đồng; chi mua quà hỗ trợ cho làng nhưng không có danh sách, đối tượng với số tiền hơn 60 triệu đồng; chi mua hàng hóa nhưng không thể hiện việc nhập – xuất, không có đối tượng sử dụng; chi mua dụng cụ truy quét, diễn tập không có đối tượng sử dụng hơn 194 triệu đồng… Trong 5 năm, số tài sản đã mua mà không có tại trụ sở ban quản lý và các trạm trực thuộc là hơn 228 triệu đồng.
Quá trình thực hiện các hạng mục công trình lâm sinh, ban quản lý này đã hợp thức hóa hồ sơ và thanh toán tiền cho nhân công bên ngoài hơn 3,6 tỷ đồng. Trong đó, lập danh sách chi cho viên chức, người lao động của ban số tiền hơn 1 tỷ đồng, còn lại hơn 2,6 tỷ đồng không rõ mục đích.
Sau khi bị đoàn thanh tra lập biên bản, tháng 9-2018, bà Phạm Thị Mỹ Diệu, phụ trách kỹ thuật của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa đã lập danh sách chi cho viên chức của ban số tiền hơn 3,4 tỷ đồng để nhờ xác nhận nhằm hợp thức hóa số tiền chưa rõ mục đích, đối tượng sử dụng… Kết luận Thanh tra đánh giá việc làm của ban quản lý là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lập chứng từ kế toán không trung thực để sử dụng tiền DVMTR không đúng với nội dung, mục đích đã thanh toán.
Ngoài việc phát hiện rừng giao khoán bị mất, đoàn giám sát của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai, Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan còn phát hiện nhiều tồn tại khác: có 10 đơn vị chi thiếu tiền bảo vệ rừng của dân với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa trả thừa hơn 1,6 triệu đồng tiền khoán bảo vệ rừng cho dân; Ban Quản lý rừng phòng hộ xã Nam và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa chi sai đối tượng trong hoạt động truy quét lâm tặc, chữa cháy rừng hơn 51 triệu đồng…
Còn tại Kon Tum, theo kết quả kiểm tra của liên ngành Sở NN-PTNT và Quỹ Bảo về và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, việc chi trả, quản lý sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng là tổ chức nhà nước, UBND các xã, thị trấn trong năm 2017 cho thấy, các tổ chức nhà nước như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Glei chưa thực hiện khoán đầy đủ diện tích rừng cho người dân bảo vệ; UBND các xã, thị trấn chưa đầy đủ hồ sơ, chứng từ, hoặc chứng từ có sai sót; một số UBND xã có thực hiện khoán quản lý bảo vệ rừng nhưng chưa xác định, chi trả tiền DVMTR kịp thời, đầy đủ cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng…
Theo Saigondautu.com.vn
Sửa chữa quốc lộ 19: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Thời gian gần đây, nhiều người dân rất bức xúc trước những bất cập nảy sinh từ việc thi công Dự án sửa chữa mặt nền, hệ thống thoát nước quốc lộ 19 đoạn Km 90-Km 108 qua huyện Đak Pơ (Gia Lai). Đặc biệt, bề mặt đường sau khi sửa chữa để lại nhiều mấu nối có độ vênh khá lớn giữa nền đường cũ và mới gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.
Anh Trần Quang Đạo (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) không giấu nổi bức xúc khi chia sẻ với P.V Báo Gia Lai về những bất cập trong việc sửa chữa mặt nền quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đak Pơ. Theo anh Đạo, mới đây, anh có việc đi qua đoạn đường này. Vì đường lạ nên anh điều khiển xe với tốc độ bình thường song xe vẫn vấp phải gờ đấu nối cao bất ngờ nên không kịp xử lý dẫn đến xe bị sụp gầm, bể bửng trước. “Đường sửa chữa để lại những mấu nối cao bất thường, nếu xe gầm thấp hay tài xế không quen đường rất dễ bị sụp gầm. Hơn nữa, tại các điểm này, đơn vị thi công không đặt biển cảnh báo để người đi đường biết và tránh”-anh Đạo nói.
Không chỉ người lạ mà ngay cả những tài xế xe ô tô con thường xuyên đi lại qua tuyến đường này cũng gặp nạn bởi những mấu nối nhô cao bất ngờ. Anh Trần Duy Trọng (phường An Bình, thị xã An Khê) trong một lần chạy xe con ngang qua đây đã không may va vào mấu nối, bị bể két nước, cản và đèn trước xe khiến anh phải tốn khá nhiều tiền sửa chữa. Anh Trọng bức xúc: “Thi công đường kiểu này là quá ẩu, coi thường tính mạng của người tham gia giao thông. Mình đi xe con, hư xe còn sửa được, đối với người điều khiển xe máy, nếu chạy nhanh, không quen đường dễ bị vấp ngã thì hậu quả sẽ khôn lường”.
Nền đường cũ và mới có độ vênh lớn khiến các phương tiện lưu thông qua gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Ông Đinh Quốc Thành (thôn Phú Yên, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) là người thường xuyên chở hàng xuống thị trấn Đak Pơ buôn bán. Ông cho biết, trung bình mỗi ngày, ông đi lại 2 lượt trên đoạn đường này. Việc sửa chữa đoạn đường khiến người và phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, ngay gần trụ sở UBND xã Hà Tam cũng có một điểm đấu nối khá nguy hiểm khiến nhiều xe đi theo hướng từ Bình Định lên Gia Lai gặp nạn. Tương tự, bà Nguyễn Thị Duy Hiền (thôn 5, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) chia sẻ, từ ngày đơn vị thi công triển khai sửa chữa đoạn đường này, tận mắt bà chứng kiến nhiều người đi xe máy bị ngã. “Nhiều nhất là khu vực dốc cua đặt gương cầu lồi đoạn gần Km 103. Đoạn này nền đường nghiêng, ôm cua gấp khúc, nhà thầu lại rải lớp đá dăm nên nhiều xe máy chạy ngang bị trượt ngã”-bà Hiền nói. Tuy nhiên, trong phần lớn các vụ tai nạn, người đi đường chỉ bị xây xát nhẹ, hư hỏng phương tiện, chưa có trường hợp tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chết người.
Trao đổi với P.V về việc đơn vị thi công sửa chữa đường gây mất an toàn giao thông, ông Hoàng Phi Ấn-Chủ tịch UBND xã Hà Tam-cho biết: “Đoạn đường nối từ thị trấn Đak Pơ tới chân đèo Mang Yang đã xuống cấp nhiều năm nay nên khi được quan tâm đầu tư sửa chữa, người dân và chính quyền địa phương rất mừng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhà thầu chia thành nhiều đoạn. Ở các điểm đấu nối, sau khi sửa chữa đã để lại những gờ cao chênh lệch giữa mặt đường cũ và mới, có nơi cao đến 30 cm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và gây bức xúc cho người dân. Nhiều người đã phản ánh, bày tỏ bức xúc về điều này với địa phương. Chúng tôi rất mong các cơ quan hữu quan sớm có giải pháp xử lý để đảm bảo việc đi lại qua đoạn đường này được an toàn hơn”.
Được biết, Dự án sửa chữa mặt nền, hệ thống thoát nước quốc lộ 19 đoạn Km 90-Km 108 qua huyện Đak Pơ được phê duyệt từ tháng 7-2018, do Cục Quản lý Đường bộ III làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu triển khai thi công từ đầu tháng 11-2018. Trước một số ý kiến trái chiều xung quanh việc lựa chọn phương án và giải pháp thi công, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thay đổi giải pháp sửa chữa nền đường, mặt đường đoạn Km 90-Km 108 thuộc Dự án sửa chữa mặt nền, hệ thống thoát nước quốc lộ 19; trong đó kiến nghị thay đổi chủ trương kỹ thuật chuyển kết cấu đá dăm nước láng nhựa sang thảm bê tông nhựa. Cục Quản lý Đường bộ III đã đề xuất, kiến nghị lên Bộ Giao thông-Vận tải về thay đổi chủ trương kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Hiện nay, dự án này đang tạm dừng thi công để chờ chuyển đổi.
Ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: “Về những thông tin phản ánh tình trạng mất an toàn giao thông liên quan đến việc thi công tại đoạn đường này, Sở Giao thông-Vận tải đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Cục Quản lý Đường bộ III sớm có giải pháp phối hợp cùng địa phương trong công tác khắc phục, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua đây. Gần đây nhất, Sở Giao thông-Vận tải đã có Công văn số 316/SGTVT đề nghị Cục Quản lý Đường bộ III chỉ đạo đơn vị liên quan “có biện pháp vuốt nối các vị trí mặt đường còn chênh cao, tạo sự êm thuận, đảm bảo an toàn giao thông cho phương tiện tham gia giao thông tại đoạn tuyến này”.
Quốc lộ 19 là tuyến đường huyết mạch nối Gia Lai với các tỉnh Duyên hải miền Trung, lưu lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Vì vậy, Cục Quản lý Đường bộ III cần sớm triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại đoạn đường đang sửa chữa nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do việc thi công gây ra.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : Chư Sê: Đưa vào sử dụng công trình hồ bơi công viên Phạm Văn Đồng.