Tin mới
Hồ T’Nưng
Hồ T’Nưng – Chốn thơ giữa mảnh đất đầy nắng gió Tây Nguyên
Hồ T’Nưng được người dân địa phương nơi đây xem là hạt ngọc quý của Pleiku mà bất kỳ ai đã đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên cũng không thể bỏ qua.
Ở cái mảnh đất có cái nắng cái gió, có cà phê thơm lừng ngon hảo hạng của Tây Nguyên đã từng đôi lần khiến bao người phải ngẩn ngơ, mê đắm.
Và cũng với rất nhiều người, câu hát “Tôi muốn nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” của nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng đã không còn trở nên xa lạ. Không hẳn vì nó nằm trong một bài hát nổi tiếng, mà còn bởi nó mang dáng dấp của vùng tây nguyên bạt ngàn gió với một nơi gọi là Hồ T’Nưng mênh mông.
Ảnh: Nm.nhat
Hồ T’Nưng hay còn gọi là Biển Hồ, là một hồ nước ngọt nằm ở phía Tây Bắc, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7 km theo quốc lộ 14, trên cao nguyên địa hình bằng phẳng cao khoảng 800 mét so với mực nước biển.
Theo tích xưa, hồ mang tên T’Nưng là tên một làng cổ trong huyền thoại. Làng này xưa kia rất trù phú, dân bản sống yên vui, hòa thuận. Bỗng một hôm núi lửa ập xuống vùi lấp làng và vì khóc thương người thân mãi khôn nguôi khi bị vùi lấp bởi núi lửa từ thủa xa xưa. Những giọt nước mắt ấy đổ thành các dòng suối rồi cùng quây tụ trở về làng thành hồ. Người dân nơi đây đã coi Biển Hồ như viên ngọc quý, mà đất trời ban tặng cho người dân Tây Nguyên, giữa Trường Sơn ngút ngàn. Ảnh: Markthu_vn
Hồ T’Nưng nguyên là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, với diện tích mặt nước là 240ha, độ sâu trung bình 16 – 19m, nơi sâu nhất có thể tới 40m. Ảnh: Buongtdt
Thiên nhiên Tây Nguyên dẫu có khắc nghiệt hay nắng hạn đến đâu nhưng nước ở hồ chưa bao giờ cạn. Hồ T’nưng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP Pleiku. Ảnh: Lyckng
Con đường dẫn xuống hồ đẹp như tranh vẽ, hai bên là những rặng thông xanh ngắt. Ảnh: Aprilnguyenvn
Giữa mùa nắng nóng oi nồng mà ở đây rất dễ chịu, không khí trong lành và mát rượi. Ảnh: Annn13
Đi thẳng theo con đường này các bạn sẽ gặp một đài vọng cảnh từ trên cao. Từ đài vọng cảnh này, bạn sẽ chiêm ngưỡng được toàn bộ vẻ đẹp của Biển Hồ. Tuy nhiên, nếu muốn có những góc nhìn khác lạ, bạn có thể rẽ xuống con đường nhỏ bên trái đài vọng cảnh hoặc đi vào phía bên kia Biển Hồ, còn gọi là Biển Hồ Chè vì khu vực này chuyên trồng chè để nhìn ngắm Biển Hồ bên cạnh những đồi chè hoặc những thửa ruộng bậc thang.tnt.duong
Phong cảnh xung quanh hồ mang nét đẹp rất ngoạn mục, từ những cây cối và các loài hoa khoe sắc ven hồ, ong bướm dập dìu tiếng hót của các loài chim lảnh lót mỗi buổi sớm mai. Kế đó là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng… Những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt nước. Ảnh: Lyckng
Đây cũng là một trong những địa điểm vô cùng lý tưởng cho những buổi picnic gia đình hoặc nhóm bạn vào những dịp cuối tuần. Nếu muốn cắm trại bạn nên chủ động mang theo lều vì ở đây dịch vụ chưa có nhiều. Ảnh: ryan.capt
Vào buổi chiều, khi hoàng hôn ngả bóng, những vệt nắng soi bóng dưới làn nước trong xanh hiện lên mờ ảo đầy mê hoặc. Đứng trước hồ, hít một hơi thật đầy bầu không khí tươi mát, đưa mắt phía xa xa những ngọn núi trùng điệp, và cả những cánh rừng bạt ngàn. Ảnh: Quân
Khi đến đây picnic bạn có thể chủ động mang theo đồ ăn vặt, hoặc thưởng thức món cơm lam chấm muối vừng. Ống cơm lam ở đây được đựng trong ống tre, nứa dài, hạt cơm dẻo quánh, khi ăn chẻ bỏ lớp lạt giang bên ngoài, cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp lạt giang mỏng, chấm muối vừng rất mềm ngon. Ảnh: Quân
Hoặc thưởng thức những cây kem ốc quế mát lạnh như thế này cũng thực sự là một trải nghiệm thú vị tại Hồ T’ Nưng. Ảnh: Trangboon91
Chỉ đường dẫn lối đến Hồ T’Nưng:
Từ Tp.HCM, bạn di chuyển đến trung tâm Tp. Pleiku, bạn mất tầm hơn 10 tiếng đồng hồ nếu di chuyển bằng ô tô theo QL14 với quãng đường dài khoảng 519km. Còn nếu đi bằng máy bay, bạn đáp chuyến bay thẳng tới sân bay Pleiku.
Từ Trung tâm thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đi về hướng Kon Tum khoảng 7 km, đến ngã ba (Quốc lộ 14) thì rẽ về bên phải khoảng 1 km nhìn thấy biển chỉ dẫn, tiếp tục rẽ trái đi sâu xuống thêm 500 mét, vượt qua một rừng thông, bạn sẽ đặt chân đến Hồ T’Nưng.
Theo Vietnammoi
Khám phá Hố Trời vùng Tây Sơn Thượng đạo
Vành đai phía Đông-Bắc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có những dãy núi liên hoàn như núi Ông Bình, núi Ông Nhạc, trong đó có những địa danh nổi tiếng như hang Tối Trời và Hố Trời. Hố Trời đang là điểm đến khám phá mới mẻ và hấp dẫn du khách bốn phương
Theo người dân, Hố Trời là một cụm gồm 14 ghềnh thác, nằm giữa hai hẻm núi có chiều dài 1,5-2 km, được bao bọc bởi núi rừng xanh ngát. Trong hệ thống 14 ghềnh thác có thác số 2 cao gần 70 mét rất hùng vĩ. Với thế dựng đứng nên khi đứng từ trên đỉnh nhìn xuống hoặc từ chân thác ngước lên đều có cảm giác thăm thẳm trời cao, hun hút vực sâu. Có lẽ vì thế mà người dân đặt cho địa danh này là Hố Trời. Hố Trời bắt nguồn từ 2 dòng suối Nước Bon thuộc làng Hòa Bình, xã Tú An và Tà Dinh thuộc thôn An Xuân 2, xã Xuân An, thị xã An Khê chảy xuôi về huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
Hố Trời là một cụm gồm 14 ghềnh thác, nằm giữa hai hẻm núi có chiều dài 1,5-2 km. Ảnh: Ngọc Minh
Tương truyền, cách đây gần 300 năm, ba anh em nhà Tây Sơn từng cho quân men theo Hố Trời đi từ Hạ đạo lên Thượng đạo tụ binh, khởi nghĩa, mà điểm tiếp cận đầu tiên là Tây Sơn nhị nay thuộc khu vực xã Cửu An và Xuân An của thị xã An Khê.
Để chinh phục, khám phá Hố Trời, du khách xuất phát từ thôn An Thạch, xã Xuân An, theo lối mòn dưới tán keo, bạch đàn sẽ gặp suối Đá Trải. Từ đây, du khách thong dong thả bộ để đôi chân trần được ngụp lặn dưới dòng nước trong mát, lướt trên thảm cát mịn màng. Men theo dòng suối, du khách ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vỹ nhưng đầy thơ mộng, nghe suối chảy róc rách với cảm giác thư thái trong bầu không khí trong lành. Vượt qua những phiến đá trải lộn xộn sẽ đến điểm thác số 1. Tại đây, du khách thỏa thích ngắm mây trời, núi non, chụp hình với ngọn thác tung bọt trắng xóa.
Từ chân thác ngước lên là thăm thẳm may trời. Ảnh: Ngọc Minh
Chân thác số 1 cũng là đỉnh thác số 2. Từ đây phóng tầm mắt về hướng Đông có thể nhìn thấy những ngôi nhà lúp xúp, mái tôn hồng nổi bật trong nền xanh cây cối, mây trời của những nhà dân thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Bất giác nhìn xuống là hun hút vực sâu, không thấy điểm dừng, cây cối, non nước, mây trời hòa quyện một màu. Và đây cũng là điểm kích thích, thôi thúc du khách chinh phục, khám phá chặng đường phía trước.
Men theo vách núi thẳng đứng, với tư thế chân bấu vách đá, tay bám chắc rễ, thân cây mọc ven để nhích, trượt dần xuống. Mất chừng 15-20 phút trong cảm giác hồi hộp, lo sợ, xen lẫn thích thú mỗi lần vượt qua ải “nguy hiểm”. Xuống tới chân thác, du khách sẽ có cảm giác vỡ òa cảm xúc, bao nhiêu mệt mỏi bỗng chốc tiêu tan. Hít một hơi thật sâu lồng ngực căng đầy không khí trong lành, tịnh mát, xen lẫn hương hoa hoang dại. Ngước nhìn những tảng đá xếp thẳng đứng ôm sát nhau nhưng chừa ra kẽ hở, mặc nhiên dòng nước tuôn chảy, tạo thành dòng thác dài hàng chục mét như dải lụa trắng bồng bềnh, uốn lượn hòa cùng mây trời. Tại đây, du khách nghỉ ngơi, thư giãn, ngồi trên những phiên đá to phẳng phịu như trải chiếu, nhâm nháp đồ ăn, thức uống, ngắm phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vỹ, cùng bạn bè selfie…
Cùng bạn bè trải nghiệm, selfie. Ảnh: Ngọc Minh
Sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức, hành trình tiếp theo là chinh phục 12 điểm thác. Mỗi điểm thác sẽ cho du khách một cảm giác ngất ngây khác nhau, được khám phá, được trải nghiệm và hơn cả là cảm giác chiến thắng.
Nếu muốn chinh phục Hố Trời, du khách nên chuẩn bị thực phẩm, nước uống, đặc biệt nên đi theo đoàn và người có kinh nghiệm leo núi hoặc người địa phương dẫn đường để chuyến du ngoạn an toàn, trọn vẹn.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : MỘNG MƠ NAM DU, ĐỂ VIỆT NAM LUÔN LÀ ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN CỦA THẾ GIỚI….,