Sản phẩm chuối rừng đặc trưng tại xã Ia Kreng. ảnh: Lê Kiến
Măng rừng, chuối rừng, mật ong vào OCOP: Siêng vào rừng là có tiền
Lâu nay, thói quen “đâm, thọc, chọc, tỉa” tại xã vùng sâu Ia Kreng (huyện Chư Păh, Gia Lai) vẫn được người Jrai nơi đây duy trì. Hàng năm, bà con chỉ sản xuất được 1 vụ lúa nên đến mùa giáp hạt phải lo chạy ăn từng bữa. Mặc dù được nhà nước quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ nhưng số hộ nghèo giảm theo từng năm rất ít ỏi, chiếm gần 50% dân số của xã.
Tuy nhiên, người dân ở đây lại được “mẹ thiên nhiên” ưu ái ban cho lộc rừng. Lúc nông nhàn, bà con có thể lên rừng hái măng, chuối rừng, mật ong về bán… Tùy theo mùa vụ, bà con có thể vào rừng hái lộc bán được vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/ngày.
Nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế về sản phẩm đặc trưng từ rừng, xã Ia Kreng đã lên phương án làm “đặc sản” gắn với nhãn mác tung ra thị trường, vừa tăng giá trị vừa đảm bảo tính bền vững cho người dân. Hiện tại, xã đang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai triển khai dự án trồng chuối rừng và sấy khô ngay tại địa phương. Máy sấy cũng được đặt tại nhà dân, cho hộ dân tự quản lý và sơ chế sản phẩm.
Anh Đinh Viết Tân (ở làng Díp) cho biết: “Ở đây, bà con siêng năng vào rừng là rất dễ có tiền, mỗi kg chuối rừng khô bán được 40.000 đồng, măng 180.000 đồng… Hiện tại, các sản phẩm ở đây đều được đóng gói đẹp mắt và ghi địa chỉ rõ ràng”.
Theo ông Phạm Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng: “Nhờ các sản phẩm từ rừng mà đời sống của bà con đỡ vất vả hơn, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Riêng cây chuối rừng đã được Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng dự án trồng và hỗ trợ máy sấy cho người dân. Hiện tại, các sản phẩm chuối rừng, măng khô… đang được xã chú trọng xây dựng thành sản phẩm đặc trưng để vừa tăng giá trị sản phẩm, vừa tạo được việc làm ổn định cho người dân”.
Nói về chương trình OCOP, ông Tạ Anh Tuấn – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chư Păh cho hay, huyện đang có định hướng liên kết, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao giá trị và mở đầu ra cho sản phẩm. Hiệu quả, lợi ích mang lại cho người dân từ chương trình này sẽ rất lớn.
Theo Danviet.vn
Vụ ‘Liên kết rồi… bỏ chạy’: UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo tìm giải pháp bảo vệ nông dân
Ngày 11-4, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc đề xuất xử lý các nội dung mà Báo SGGP phản ánh trong bài viết ‘Liên kết rồi… bỏ chạy’.
Người dân xã Ia Blứ trồng chanh dây do Công ty Tuấn Đại An cung cấp giống nhưng không có quả, buộc dân phải chặt bỏ
Theo đó, để bảo vệ người sản xuất, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, các sở ngành địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý các nội dung báo nêu, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-4.
Trước đó, Báo SGGP đăng bài viết “Liên kết rồi… bỏ chạy”, phản ánh việc nhiều doanh nghiệp đến các tỉnh Tây Nguyên tổ chức hội thảo để liên kết bán cây giống và cam kết thu mua sản phẩm nhưng lại bán giống kém chất lượng, hoặc không chịu thu mua sản phẩm như cam kết.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là trường hợp Công ty TNHH Tuấn Đại An (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) ký hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, cung cấp giống chanh dây, vật tư nông nghiệp cho 8 hộ dân xã Ia Hla với diện tích 6,5ha và 33 hộ dân xã Ia Blứ (cùng thuộc huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) với diện tích 16,8ha, nhưng khi trồng thì cây không ra quả, hoặc quả nhỏ không đảm bảo chất lượng.
Thanh tra Sở NN-PTNT phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh đã vào cuộc xác định, thời điểm triển khai hợp đồng với nông dân, công ty không có chức năng kinh doanh mảng nông nghiệp và giống cây cung cấp không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật bán cho dân thì phía công ty đã lột nhãn mác, có tính chất giả dối. Sau khi bị vạch trần, công ty này cam kết đền bù cho dân các xã trên (trong đó riêng xã Ia Blứ hơn 268 triệu đồng), nhưng quá hạn 1,5 năm vẫn chưa đền bù và hiện công ty đã “mất tích”.
Theo Sggp.org.vn
XEM THÊM : Gia Lai: Truy tìm đối tượng nghi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.