Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pơ Cô giúp người dân xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) tăng gia sản xuất.
“Miền đất hứa” ngay trên quê mình
Khép lại ký ức về những ngày tháng kinh hoàng, sống trong trại tị nạn ở Campuchia, những người từng tin lời về “Miền đất hứa” bên kia biên giới sau ngần ấy năm, giờ đã có cuộc sống mới, tương đối ổn định. “Miền đất hứa” mà họ muốn tìm không đâu xa, ngay dưới chân họ, chỉ là giờ họ mới nhận ra…
Tìm “Miền đất hứa”
Xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có 4/9 làng với 121 đối tượng vượt biên sang Campuchia. Thời gian qua, đã có 33 đối tượng sang được nước thứ 3, số còn lại được Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) trả về Việt Nam. Xem qua lý lịch trích chéo của họ, chúng tôi không khỏi tò mò về số phận những người đã từng dứt áo rời bỏ quê hương để đi tìm “Miền đất hứa”, để rồi thất vọng trở về với hai bàn tay trắng trong sự hối hận. Chúng tôi đến nhà ông Siu Blờ, người Ja Rai, trú ở làng Bi, xã Ia O (huyện Ia Grai), năm nay vừa tròn 62 “mùa rẫy” vào một ngày của tháng 6, khi mùa mưa Tây Nguyên đã nặng hạt. Siu Blờ đã 2 lần dẫn cả gia đình bỏ nhà cửa, ruộng nương, bầy gia súc, gia cầm trốn sang Campuchia. Ông Siu Blờ kể: Khoảng tháng 7-2005, đứa cháu tên Ksor Thủy (lúc đó khoảng 30 tuổi) đến nhà ông rủ gia đình vượt biên sang Campuchia rồi sẽ được đón sang Mỹ sinh sống, cuộc sống sẽ sung sướng, giàu sang. Giấc mơ về “nhà lầu, xe hơi” được Thủy vẽ ra cho Siu Blờ. Ban đầu ông không tin, làm gì có chuyện “của trên trời rơi xuống” nhưng rồi Thủy rỉ tai suốt ngày nên Siu Blờ đã nghe theo. Một đêm tối trời, gia đình 9 người gồm 2 vợ chồng và 7 đứa con cầm ít tiền từ việc bán tống tháo đồ đạc trước đó, trốn sang Campuchia. Được đưa về trại tị nạn ở thủ đô Phnôm Pênh, từ đây nỗi hãi hùng của Siu Blờ về “Miền đất hứa” bắt đầu…
Tới trại tị nạn, Siu Blờ thấy có tới hàng trăm người sống chen chúc trong những mái nhà tôn, mùa nắng, trời nóng đến cháy da. Giấc mơ giàu sang đâu chẳng thấy, trước mắt Siu Blờ là hình ảnh nhiều người đang sống vật vờ nhịn đói, nhịn khát, mỗi ngày mỗi người chỉ được ăn vài chén cơm, nằm ngủ dưới đất, chẳng có chăn màn. Niềm tin về lời hứa được đón đi Mỹ bị thui chột dần. Được một năm, chịu hết nổi cảnh khổ trong trại tị nạn, Siu Blờ xin đưa gia đình quay về Việt Nam. Về chưa ấm chỗ, tháng 4-2007, tên Pul, trú ở khu vực B15, xã Ia Der (huyện Ia Grai) lại đến rủ rê vợ con Siu Blờ vượt biên. Quá rõ về cảnh sống “chui nhủi” ở trại tị nạn, Siu Blờ không đi. Nhưng một số đối tượng khác hù dọa, rằng Siu Blờ nếu ở lại sẽ bị công an bắt, hãi quá, Siu Blờ đi theo. “Sang đấy rồi cũng trải qua “cơn ác mộng” mà cả gia đình đã nếm qua trước đó, được 6 tháng mình tiếp tục bàn với vợ con xin trở lại làng” – Siu Blờ kể.
Đồng cảnh ngộ như Siu Blờ, anh Rơ Lan Hyêh (30 tuổi), người Ja Rai cùng ở làng Bi (xã Ia O), cũng bị một số đối tượng xấu đến rủ rê bỏ nhà, nương rẫy, bỏ cả người vợ trẻ vừa mới cưới được mấy tháng để đi tìm “Miền đất hứa”. Sau một đêm vượt rừng, lội sông suối, Hyêh có mặt ở trại tị nạn Ban Lung, tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Khi Hyêh đến ở đây đã có hơn 300 người như Hyêh đang nằm chờ cơ hội được đón sang Mỹ. Hyêh tâm sự: “Khổ lắm, mỗi ngày được vài chén cơm. Con mắm bằng ngón tay út, chút chút thế này mà 3 người chia nhau một con”. Sướng đâu chả thấy, so với hồi ở nhà thì kém xa, đói quá, chịu không nổi cảnh khổ trong trại tị nạn, ở được chừng hơn một tháng thì Hyêh tự mình tìm đường trốn trại về nước.
Không đâu bằng quê hương mình
Mệt mỏi, ê chề sau những lần tìm cơ hội “đổi đời” nơi chân trời xa xăm, được sự dang tay của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của các ban, ngành hữu quan của tỉnh Gia Lai, nhiều gia đình bắt tay gầy dựng lại từ đầu ngay tại quê nhà. Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pơ Cô (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) đã tổ chức hàng ngàn ngày công lao động, cấp phát nhiều cây, con giống, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số vừa “hồi hương” phát triển kinh tế gia đình; đưa mô hình trồng cây công nghiệp (như cây cao su tiểu điền, cây cà phê, điều) vào nương rẫy của bà con, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho họ.
Trung tá Trần Văn Hùng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Pơ Cô cho biết, hầu hết các đối tượng trên địa bàn xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai) từng vượt biên qua Campuchia, khi trở về làng đều được giúp đỡ để phát triển kinh tế gia đình. Hiện các hộ đều có cuộc sống ổn định, không ít thì nhiều, hầu như hộ nào cũng có vườn cao su, điều, cà phê. Hộ ít thì 5 – 7 sào, bình thường 1 – 2ha, cá biệt như hộ ông Ksor Phiếu ở làng Dăng (xã Ia O) có 4ha cao su. Hiện 90% số hộ vượt biên trở về có kinh tế khá giả, thu nhập hàng năm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Trở lại với câu chuyện ra đi tìm “Miền đất hứa” của gia đình ông Siu Blờ năm xưa, sau hơn 5 năm cần cù gầy dựng, đến nay 4 trong số 7 đứa con của ông Siu Blờ đã lập gia đình. Ra ở riêng, ai cũng có cuộc sống ổn định, có vườn, có rẫy, mỗi cặp vợ chồng trẻ có thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng/năm. Còn ông Siu Blờ cũng đã xây được ngôi nhà cấp 4 khá khang trang, sạch sẽ, trong nhà đã sắm đầy đủ tiện nghi, xe máy đời mới. Hiện ông có trong tay 1ha điều kinh doanh, 1ha đất trồng cây mì, 5 sào lúa nước, 2 con trâu, 2 con bò… Mỗi năm, trừ chi phí ông còn thu về gần 50 triệu đồng. Mới đây, Siu Blờ dành dụm mua thêm được 1ha cây điều. Thời gian dần trôi, giờ Siu Blờ thấm thía nhận ra rằng: chỉ có chăm chỉ lao động mới thoát được đói nghèo. Giá như ngày ấy Siu Blờ chịu khó làm ăn như người khác giờ chắc khá hơn nhiều.
Chúng tôi cũng gặp anh Rơ Lan Hyêh trong lần lên biên giới gần đây. Hàn huyên về câu chuyện vượt biên năm nào, cho thấy dường như chàng thanh niên này đã “thấm đòn”. Ở cái tuổi còn trai trẻ, Rơ Lan Hyêh là chủ sở hữu một cơ ngơi khiến nhiều chàng trai, cô gái “da nâu, mắt sáng” ở khu vực Tây Nguyên phải ao ước: 1ha cao su sắp cho thu hoạch, 1ha mì, 3ha điều và một ít cà phê đang thời kỳ kinh doanh… Tính sơ sơ mỗi năm anh thu về cả trăm triệu đồng. “Chịu khó dành dụm, vài năm nữa muốn mua ô tô cũng được”, Rơ Lan Hyêh khoe.
Huyện biên giới Ia Grai có địa hình phức tạp, địa bàn trải rộng. Huyện có đến phân nửa dân số là đồng bào Ja Rai, sống gần biên giới với nước bạn Campuchia. Lợi dụng sự cả tin, nhẹ dạ của bà con, kẻ xấu thường xuyên len lỏi tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo và kích động bà con làm những điều trái quy định của pháp luật. Không ít người bị hăm dọa, nghe theo lời xúi giục của chúng đã vượt biên sang Campuchia, tổ chức gây rối an ninh trật tự, chống phá chính quyền. Trước tình hình trên, các cấp chính quyền huyện Ia Grai đã phối hợp với lực lượng Công an huyện Ia Grai tổ chức vận động quần chúng tại các thôn, làng khi có đối tượng hồi hương trở về phải giúp các đối tượng tái hòa nhập với cộng đồng.
Khép lại quãng thời gian “lạc nhịp”, hầu hết các đối tượng người dân tộc thiểu số ở huyện Ia Grai trót nghe lời dụ dỗ vượt biên nay đã hồi hương có cuộc sống ổn định, sinh sống và tham gia các hoạt động tại thôn, làng. Sau những tháng ngày bôn ba, họ mới nhận ra rằng, “Miền đất hứa” không phải tìm đâu xa, chính là quê hương mình.
ĐỨC TRUNG
Vỡ mộng với “miền đất hứa“
Vì mù quáng nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu nên một số người bán hết vườn rẫy, bỏ lại gia đình, buôn làng để vượt biên sang Campuchia, Thái Lan với ảo vọng đi tìm “miền đất hứa”. Thế nhưng, sau bao tháng ngày khổ ải nơi đất khách, thứ mà họ nhận được chỉ là những giọt nước mắt đắng cay trong ngày trở về với 2 bàn tay trắng.
Chuyện về Rơ Châm Bít
Sau 2 năm lạc lối với ảo vọng đổi đời, Rơ Châm Bít (SN 1985, trú tại làng Ô Rê 1, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) trở về làng với nỗi niềm xen lẫn giữa hạnh phúc và đắng cay. Trong vòng tay yêu thương, tha thứ của gia đình, người thân, dân làng và chính quyền địa phương, Bít nghẹn ngào không nói thành lời, nước mắt cứ thế tuôn trào.
Tiếp nhận những người vượt biên qua Campuchia trở về nước. Ảnh: L.A
Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, Rơ Châm Bít vẫn chưa hết đắng cay sau những năm tháng sống chui lủi, bị bỏ rơi nơi đất khách, quê người. Bít cho biết: Năm 2014, Bít đã xiêu lòng trước lời xúi giục của Puih Aluk (tức Ama Hranh, FULRO lưu vong ở Mỹ) nên có ý định vượt biên sang Campuchia để tìm đường sang nước thứ ba. Cuối tháng 7-2015, Rơ Châm Bít lôi kéo thêm Rơ Mah Tăn, Rơ Mah Chế, Rơ Mah Hlíu (trú cùng làng) cùng trốn sang Campuchia.
Để có tiền đi đường, Bít bán tài sản trong gia đình được hơn 30 triệu đồng rồi cùng cả nhóm đón xe vào TP. Hồ Chí Minh để vượt biên sang Campuchia. Tại đây, cả nhóm của Bít được Puih Aluk giới thiệu cho ở lại đợi phỏng vấn để được sang nước thứ ba. Trong những tháng ngày chờ đợi, Bít cùng những người khác phải sống khổ cực, thiếu tự do và luôn nơm nớp lo sợ. Sau gần 2 năm vật vã nơi đất khách, đến ngày 20-3-2017, Bít cùng những người tị nạn ở đây nhận được tin báo không đủ điều kiện và buộc phải về nước. Tuy nhiên, khi mọi người có ý định quay về vì không chịu được cảnh sống khó khăn, bị lệ thuộc và không được đi lại tự do… thì bị các đối tượng FULRO lưu vong xúi giục tiếp tục trốn sang Thái Lan.
Lo sợ trước những lời đe dọa của các đối tượng FULRO lưu vong, phần vì không có tiền để quay về nên Bít cùng một số người trốn khỏi trại tạm cư ở Campuchia để đi Thái Lan. Tuy nhiên, khi đến nơi, Bít cùng nhiều người khác không hề nhận được sự giúp đỡ nào như lời hứa của các đối tượng FULRO lưu vong. Tại đây, để có tiền sinh sống, Bít cùng những người dân tộc thiểu số khác phải đi phụ hồ, sửa nhà, làm cỏ… với tiền công rẻ mạt. “Tôi và nhiều người ở đây phải sống chui lủi vì sợ bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Không những vậy, nhiều chủ ở Thái Lan sau khi thuê làm việc họ còn không trả tiền công cho mình”-Bít nghẹn ngào.
Để tiếp tục sống những ngày ở đây và nuôi hy vọng sẽ được đưa sang Mỹ, Bít liên lạc với vợ để bán đất vườn được 30 triệu đồng rồi đưa cả nhà cùng trốn sang Thái Lan. Tháng 5-2017, gia đình Rơ Châm Bít có mặt tại Thái Lan. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây quá cơ cực khiến cả gia đình lâm vào bế tắc. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Bít cùng vợ quyết định quay trở về để được sống chung với anh em, bà con dân làng. Khi gia đình Bít về đến tỉnh Ratanakiri thì bị Cảnh sát Campuchia bắt giữ trao trả về Việt Nam. Ngày 28-8-2017, Rơ Châm Bít được chính quyền địa phương đưa về làng trong sự cảm thông và tha thứ của mọi người. Được chính quyền giúp đỡ, tạo điều kiện để làm lại cuộc đời sau những tháng ngày lạc lối, Rơ Châm Bít chia sẻ: “Tôi đã nhận ra việc làm sai trái của mình. Giờ đây, tôi mong mọi người đừng đi vào con đường tối, đừng nghe lời kẻ xấu lừa dối để rồi phải lâm vào tình cảnh như tôi”.
Chỉ vì nhẹ dạ, cả tin
Chỉ vì thiếu hiểu biết và cả tin mà một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã trót nghe theo lời xúi giục của các đối tượng trong tổ chức phản động FULRO do Ksor Kơk cầm đầu để vượt biên sang Campuchia rồi tìm đường sang nước thứ ba. Thế nhưng, sau khi bán vườn rẫy, trâu bò, vật dụng trong gia đình, vay mượn tiền… để lấy kinh phí trang trải cuộc sống và trả cho đối tượng dẫn đường sang Campuchia, Thái Lan, nhiều người đã phải cay đắng trở về với 2 bàn tay trắng.
Trong 3 năm (2014-2017), có trên 110 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trốn sang Campuchia, Thái Lan đã được UNHCR và Campuchia trao trả cho Việt Nam để về đoàn tụ cùng với gia đình, người thân. Tất cả những người trên khi trở về đều được dân làng, chính quyền tha thứ, tạo điều kiện xây dựng lại cuộc sống ấm no trên chính mảnh đất quê hương mình. |
Trong hành trình lẩn trốn đầy gian nan, vất vả, thiếu thốn ấy, đã có nhiều trường hợp thấy khó khăn nên tự quay về địa phương. Tuy nhiên, cũng đã có những người mãi không trở về vì chết trên đường đi như Siu Lôk (thôn Piơr 1, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông). Họ chết ở nơi đất khách, quê người nên không được làm ma chay theo đúng tục lệ của người dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là trường hợp Kpă Thanh (làng Tai Pêr, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh). Vì buồn chán sau những năm tháng sống cơ cực, chui lủi tại Campuchia nên Kpă Thanh đã thắt cổ tự tử. Hay như Rơ Mah Hler (làng Su B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) bị bệnh nặng, không có thuốc chữa trị, không có người chăm sóc nên đã bỏ mạng tại Campuchia.
Baogialai.com.vn
XEM THÊM : TP Pleiku: Kỳ lạ chuyện người dân bị “ép” dùng ống nước mới.