Chuẩn bị nguồn cà phê giống phục vụ tái canh.
Nâng cao chất lượng giống cây trồng trên địa bàn Gia Lai
Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh Gia Lai đã khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa mới và giống cà phê có năng suất cao, chất lượng đảm bảo để cung ứng cho nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh được Nhà nước đầu tư về trang-thiết bị và phòng nuôi cấy mô để nghiên cứu khảo nghiệm những giống lúa mới, các giống cà phê, rau màu chất lượng theo hướng công nghệ cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Trung tâm đã sản xuất và đưa ra vườn ươm 10 ngàn bầu chuối tiêu hồng nuôi cấy mô; khoảng 50 ngàn bầu giống hoa lan các loại, trong đó đã đưa ra vườn ươm khoảng 7 ngàn bầu. Cùng với các giống cây trồng này, Trung tâm tổ chức gieo ươm 150 ngàn cây cà phê giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, như: TR4, TR9, TRS1… phục vụ người dân trồng tái canh trong mùa mưa năm nay. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã chuẩn bị gần 100 tấn lúa giống các loại như: JO2, HT1… phục vụ sản xuất vụ mùa sắp tới; gieo ươm 500 ngàn cây keo tai tượng phục vụ công tác trồng rừng của các địa phương trong năm nay. Đặc biệt, Trung tâm phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cung ứng một số giống cây ăn quả, như: bơ booth, bơ hass, bơ 304 và bơ reed…; các giống sầu riêng ngon như: Monthong (Thái Lan), Ri6, Dona… đáp ứng nhu cầu trồng mới của người dân.
Bà Nguyễn Thị Trì (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) cho hay: “Gia đình tôi có 2 sào đất trồng lúa nước. Nhiều năm nay, mỗi khi đến vụ sản xuất, tôi thường mua giống lúa của Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh bởi nó phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, năng suất ổn định”. Còn ông Võ Văn Sơn (thôn 1, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) thì bộc bạch: “Năm 2015, gia đình tôi mua 1.300 cây cà phê giống TRS4 của Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh về trồng mới trên diện tích 1,3 ha. Đến năm 2017, vườn cây cho thu bói với năng suất bình quân 15 kg quả tươi/cây, quả to, dễ hái hơn so với các giống cà phê trước đây. Mỗi ngày, 1 người có thể hái được 400-450 kg quả tươi, trong khi giống khác chỉ đạt khoảng 200-300 kg. Chính vì chất lượng giống cà phê đảm bảo nên gia đình tôi đã giới thiệu một số hộ đến Trung tâm mua giống mới về trồng tái canh. Đến nay, vườn cây của các hộ này đều sinh trưởng phát triển tốt”.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Cường-Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh-cho biết: Để đảm bảo chất lượng nguồn cây giống phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh gieo trồng, thời gian qua, Trung tâm đã chủ động sản xuất nhiều loại giống cây trồng theo hướng nuôi cấy mô cũng như các giống lúa mới, giống cà phê năng suất, chất lượng cao. Hiện tại, Trung tâm đang phối hợp với một số đơn vị triển khai nuôi cấy mô lan kim tuyến trồng dưới tán rừng; thu thập mẫu nuôi cấy mô một số giống hoa mới như: loa kèn, lay ơn… để trồng khảo nghiệm phục vụ người chơi hoa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm đang tập trung nguồn lực sản xuất giống lúa nước vụ mùa 2019 và vụ Đông Xuân 2019-2020”.
Theo Baogialai.com.vn
Chiến dịch giải cứu khoai lang lại xuất hiện ở TP HCM?
Khoảng hơn một tuần trở lại đây, trên nhiều tuyến đường ở các quận tại TP HCM lại xuất hiện nhiều điểm bán khoai lang, có nơi ghi bảng “giải cứu khoai lang giúp bà con Gia Lai” và được giá bán với 50.000 đồng cho 3,5 kg. Tức mỗi ký khoai lang có giá bán gần 15.000 đồng. Những nơi khác, khoai lang được đổ đống trên vỉa hè và bán chỉ 10.000 đồng/kg chứ không treo bảng giải cứu.
Một điểm bán khoai lang Gia Lai giá 15.000 đồng/kg trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM. Ảnh: Nguyễn Hải
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Công ty Ngân hàng Thực phẩm, người từng tham gia giải cứu khoai lang của nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) hồi đầu tháng 3 vừa qua, cho biết từ giữa tháng 3 vừa qua công ty không còn tham gia giải cứu khoai lang ở khu vực trên cũng như ở các địa phương khác. Hiện các địa phương trên đã thu hoạch xong vụ khoai lang nên cũng không cần hỗ trợ nữa. Việc một số người đang trương bảng “giải cứu khoai lang” không phải người của công ty.
Khoai lang được đóng thành từng bao lớn trên vỉa hè. Ảnh: Nguyễn Hải
Theo ông Khởi, cuối tháng 2 vừa qua khi có thông tin giá khoai lang Nhật do bà con nông dân trồng ở huyện Phú Thiện rớt giá thê thảm, chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, công ty đã nhanh chóng triển khai chương trình giải cứu khoai lang cho nông dân.
Khi đó, công ty ông đến tận ruộng để mua khoai lang của nông dân với giá 5.000-6.000 đồng/kg và chuyển về TP HCM tiêu thụ với giá bán lẻ 12.000 đồng/kg. Thời điểm đó, địa phương tồn đọng đến 14.000 tấn khoai lang, Công ty Ngân hàng Thực phẩm tiêu thụ được hơn 1.000 tấn.
Sau khi công ty này triển khai chương trình giải cứu, nhiều thương lái cũng quay lại thu mua khoai lang cho nông dân với giá tương tự.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, cho biết đến thời điểm này, những hộ dân trồng chính vụ trên địa bàn đã tiêu thụ hết khoai lang, chỉ còn một số hộ trồng muộn nhưng với diện tích nhỏ và vẫn bán được sản phẩm.
Theo Nld.vn
XEM THÊM : Gia Lai: Phát hiện hơn 4 ha rừng bị đốt phá. Bắt giữ đối tượng truy nã