Chiếc xe ô tô chở gỗ gị lực lượng chức năng chặn lại.
Nửa đêm mật phục, bắt vụ vận chuyển gỗ không rõ nguồn gốc
Rạng sáng 28/3, theo nguồn tin riêng của PV phản ánh tại địa bàn huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có nhiều xe ô tô đang thực hiện việc vận chuyển gỗ không rõ nguồn gốc từ rừng ra. Ngay sau khi nhận được thông tin, PV tức tốc có mặt tại huyện này để ghi nhận.
Lúc 1h sáng cùng ngày, mật phục tại hiện trường, PV phát hiện một xe ô tô tải nghi chở gỗ chạy từ hướng xã Ayun ra huyện Mang Yang nên lập tức bám theo. Tuy nhiên, chiếc ô tô chở gỗ phóng với tốc độ “chóng mặt” khi ra đến đường quốc lộ thì bị mất dấu vết.
Đến khoảng 2h sáng cùng ngày, PV tiếp tục phát hiện một chiếc ô tô khác nghi chở gỗ nên chủ động bám theo. Lần này, PV đã kết hợp với người dân và cơ quan công an huyện tổ chức ngăn chặn. Khi chiếc xe tải chạy gần đến hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, lực lượng chức năng chặn lại.
Tại hiện trường, quá trình kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện chiếc xe ô tô BKS. 37S 1885 chở nhiều hộp gỗ. Trên xe này có 4 đối tượng đang ngồi, người điều khiển xe không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến số gỗ nói trên. Sau đó, cơ quan công an đã tiến hành đưa 4 đối tượng cùng chiếc xe tải chở gỗ về trụ sở để điều tra làm rõ.
Số gỗ tang vật trên xe.
8h sáng cùng ngày, PV đã liên lạc với ông Lê Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang để nắm thêm thông tin.
Ông Trọng cho biết: “Hiện anh em công an đang làm việc với các đối tượng để làm rõ số gỗ trên có nguồn gốc từ đâu, và được vận chuyển đi đâu, cho ai. Sau khi có thông tin, chúng tôi sẽ thông tin cho cơ quan báo chí”.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến việc trên đia bàn huyện Mang Yang liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc khai thác vận chuyển lâm sản trái phép, ông Trọng cho biết thêm: “Trước đó, huyện đã có văn bản đề xuất với chi cục Kiểm lâm điều động, luân chuyển ông Nguyễn Long Sơn Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua huyện vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ cơ quan có thẩm quyền”.
Báo Người Đưa Tin tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Nguoiduatin.vn
Nhức nhối nạn phá rừng chiếm đất vùng ven thành phố Pleiku
Đặc biệt, tại những nơi dân cư phát triển, gần thành phố, áp lực lên đất rừng ngày càng lớn khi khu cầu đất tăng. Các thủ đoạn để xâm chiếm đất rừng cũng ngày một tinh vi.
Một vạt rừng thông bị tàn phá.
Tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai vừa hoàn thành, giá đất ở đây được đẩy lên rất cao. Dễ nhận thấy những vạt rừng thông dọc theo tuyến đường, thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đang bị chặt hạ, đốt cháy nham nhở. Nhiều thời điểm, diễn ra một cách công khai mà không thấy bóng dáng của bất cứ lực lượng chức năng nào ngăn chặn.
Đang thực hiện hành vi phá rừng, chiếm đất, một người đàn ông ở làng B, xã Gào, thành phố Pleiku biện minh cho hành động của mình: “Trước đây đất của dân thì phải lấy lại chứ, thông của nhà nước nhưng đất của dân. Đất thì phải lấy lại để trồng cà phê hay cây gì đó, chứ để yên rừng thông như này sao mà phát triển kinh tế được. Người dân không có đất thì phải phá chứ.”
Thực tế, không nhiều những diện tích đất như người đàn ông đang khai phá thuộc về họ lâu dài. Hầu hết, sau khi khai phá, người dân địa phương bán lại cho những người có nhu cầu và tiếp tục đi khai phá những diện tích khác.
Với thủ đoạn ken cây, đốt gốc, những cây thông hàng chục năm tuổi ở những khu vực liền kề đất sản xuất của người dân liên tục bị xâm hại và xóa sổ. Cây rừng bị đốn hạ đến đâu, những cây trồng nhanh chóng thế chỗ. Nhiều nơi những kẻ phá rừng đã vội vàng xuống giống cây trồng ngay khi chưa kịp đốt phi tang những cây rừng bị đốn hạ.
Cưa hạ cây thông đã chết.
Ông Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Gào, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết, thủ đoạn của các đối tượng phá rừng, chiếm đất ngày một tinh vi nên dù rất nỗ lực, xã cũng khó lòng ngăn chặn: “Trong thời gian vừa qua trên địa bàn xã Gào, tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp. Thủ đoạn, hành vi của người ta rất tinh vi, người ta thực hiện vào ban đêm, người ta sẽ moi đất quanh gốc thông, vạt vỏ, hay nói cách khá là ken cây để cây chết từ từ. Lực lượng của UBND xã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cũng thường xuyên đi tuần tra nhưng khó phát hiện. Mấy tháng sau, khi phát hiện thì cây đã chết.”
Thành phố Pleiku từng được bao quanh bởi những cánh rừng thông rộng lớn và theo quy hoạch hiện nay chủ yếu thuộc Lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Theo thời gian, diện tích rừng bao quanh thành phố ngày càng bị thu hẹp.
Trong đó việc phá rừng, xâm chiếm đất trái phép là một trong những nguyên chính, diễn ra trong suốt nhiều năm trong sự bất lực của cả chủ rừng lẫn các cơ quan chức năng. Thậm chí, ngay tại Ban này, hàng loạt cán bộ, lãnh đạo đơn vị cũng tham gia xâm chiếm đất rừng, có người đã bị khởi tố, bắt giam.
Ông Nguyễn Tất Thành, người vừa được luân chuyển về đảm nhận chức Phó Trưởng Ban phụ trách để điều hành Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thay cho Trưởng ban bị bắt giam, cho biết, thời gian vừa qua đơn vị cũng đã phối hợp với các cơ quan quan chức năng để tiến hành điều tra, khởi tố, đưa ra xét xử một số vụ phá rừng. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt, việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm rất khó khăn.
Ông Thành cho biết: “Đơn vị phối hợp với kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương củng cố hồ sơ để đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân trả lại toàn bộ diện tích dân xâm lấn để đơn vị trồng lại rừng, phục hồi lại nguyên trạng ban đầu. Có một số hộ là tự nguyện trả, còn đa số người dân là chưa chịu trả lại diện tích xâm lấn. Thời gian vừa qua thì các cấp cũng đã khởi tố một số vụ án, có một số vụ người vi phạm đã bị xử tù.”
Đốt gốc rừng thông để chiếm đất.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng 2.500ha trong tổng số hơn 9.100ha đất rừng tại lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ bị lấn chiếm, mất quyền sử dụng. Hiện trạng rừng ở nhiều nơi bị phá tan hoang và nhiều diện tích trong số đó là nằm ở những khu vực gần trung tâm thành phố Pleiku, đã trở thành đất ở, đất sản xuất, thậm chí là nhà của một số cán bộ, lãnh đạo./.
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên
Theo Vov.vn
XEM THÊM : Sống với bệnh Suy thận mạn tính. Suy thận cấp, mạn tính có nguy hiểm? Triệu chứng và cách điều trị