Đường vào thôn 1 (xã Tiên Hoàng, H.Cát Tiên, Lâm Đồng) bị nước ngập sâu, cô lập người dân trong nhiều giờ
Tây nguyên mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT), Tổng cục PCTT (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong ngày 7.8, các tỉnh Tây nguyên có mưa vừa đến lớn.
Đặc biệt, nhiều nơi có mưa trên 200 mm như tại Ia Lốp (Đắk Lắk) lên tới 363 mm, Đăk Ru (Đắk Nông) 231 mm…
Lâm Đồng, Đắk Lắk nhiều nơi bị ngập sâu
Mưa lớn những ngày qua khiến nhiều nơi ở Lâm Đồng bị ngập nặng. Đến chiều 7.8 đã có hơn 150 căn nhà tại 2 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh bị ngập sâu từ 0,5 – 0,7 m, nhiều nhà ngập hơn 1 m phải sơ tán; hơn 1.000 ha cây trồng tại các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc bị nước nhấn chìm. Nước chảy xiết khiến xã Tiên Hoàng (H.Cát Tiên) bị chia cắt, cô lập trong nhiều giờ. Đến 14 giờ chiều qua, các lực lượng mới có thể tiếp cận hỗ trợ bà con di dời tài sản, khắc phục hậu quả thiệt hại.
Tại H.Đạ Tẻh, mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng. Thống kê sơ bộ, toàn huyện có 69 căn nhà bị ngập phải di dời người dân. Đường từ thôn 11 (xã Đạ Kho) qua xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú (Đồng Nai) bị nước ngập chia cắt hoàn toàn. Mưa lớn gây sạt lở đèo Con Ó (tỉnh lộ 725 – đoạn qua xã Mỹ Đức) làm hàng trăm mét khối đất, đá đổ tràn xuống đường khiến giao thông bị chia cắt nhiều giờ.
Ngày 7.8, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết mưa lớn từ đêm 6.8 khiến một số địa bàn trong tỉnh bị ngập sâu, thiệt hại nặng nhất ở 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Theo thống kê ban đầu từ 2 huyện này, mưa lũ gây ngập hơn 730 nhà dân, hơn 6.500 ha hoa màu; gần 200 con gia súc cùng hàng ngàn gia cầm bị cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập sâu, chia cắt các thôn, xã. UBND H.Ea Súp đã huy động lực lượng công an, bộ đội, dân quân di dời hàng trăm hộ dân cùng nhiều tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn.
Thời tiết xấu cả trên biển lẫn đất liền
Chiều 7.8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông kết hợp gió mùa tây nam cường độ mạnh sẽ gây ra hiện tượng thời tiết xấu cả trên biển lẫn đất liền. Cụ thể, mưa lớn tiếp tục duy trì ở Tây nguyên và Nam bộ, kéo dài đến hết ngày 9.8. Trên biển, vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ có mưa rào và giông.
Chiều qua, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi các tỉnh Nam bộ và các bộ, ngành T.Ư yêu cầu triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Theo Thanhnien.vn
Cứu hộ khẩn cấp cư dân bị chia cắt bởi nước lũ ở Đắk Lắk
Ngày 7/8, nhiều cụm dân cư và gia đình bị chia cắt bởi nước lũ đã được lực lượng chức năng Đắk Lắk cứu hộ, giúp đỡ kịp thời.
Theo Thượng tá Nguyễn Công Tuấn, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Đắk Lắk, những người không chấp nhận cứu hộ, cư trú tại xã Ia Rve. Đến 20 giờ ngày 8/8, 3 cha con vẫn ở trên bãi chăn thả, bị cô lập bởi nước lũ cùng đàn trâu bò của gia đình, để đề phòng trâu bò bị lũ cuốn trôi.

Bệnh viện Thiện Hạnh ở Đắk Lắk bị “thất thủ” vì mưa lũ.
“Chúng tôi đã đưa được bà vợ vào, nhưng ông chồng cùng hai anh con trai thì vẫn ở ngoài bãi chăn thả. Mà nếu nước dâng thêm khoảng 2 mét nữa ra thì bãi chăn thả đó sẽ bị ngập hoàn toàn. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có công điện khẩn về công tác cứu hộ trong đó yêu cầu cưỡng chế những người ở vùng nguy hiểm nếu họ không chịu di dời. Chúng tôi cùng với chính quyền xã đang tích cực vận động ông ấy và sẽ có biện pháp cương quyết, bởi vì từ giờ đến đêm mà mưa nữa thì tình hình sẽ rất là phức tạp”- Thượng tá Tuấn cho biết.
Trước đó, trong buổi sáng, lực lượng chức năng huyện Buôn Đôn cũng đã phải cứu hộ khẩn cấp đối với một số người dân ở khu vực Thác Bảy Nhánh thuộc xã Ea Huar (Ea Hoa). Khu vực này bị ngập đột ngột vì lũ từ Các suối trong khu vực đổ dồn về cùng với thủy điện Sêrêpốk xả lũ với lưu lượng 149 m3/s.
Việc cứu hộ hộ còn được tiến hành ngay ở thành phố Buôn Ma Thuột, khi một con hẻm của đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập bị ngập sâu. Lực lượng chức năng đã phải dùng thuyền và phao để đưa người dân ra nơi an toàn.

Cứu hộ người dân trong một con hẻm đường Nguyễn Văn Cừ-Buôn ma Thuột.
Trong trận mưa lần này Buôn Ma Thuột xuất hiện nhiều điểm ngập lụt rất nguy hiểm, như ở đường Nguyễn Du (phường Tự An), đường Phạm Ngũ Lão phường Thành Công.
Cùng với các thông tin báo chí, người dân Đắk Lắk còn chia sẻ cùng nhau các tình huống ngập lụt trên Quốc lộ 27 qua huyện Cư Kuin; cảnh trường học, trạm y tế, bệnh viện, nhà thờ “thất thủ” vì nước lũ; chia sẻ những hình ảnh cảm động, khi các lực lượng chức năng không ngại khó khăn nguy hiểm, cứu hộ nhân dân.
Theo Đài khí tượng thủy văn Đắk Lắk, lượng mưa từ 20h ngày 6/8 đến 8h ngày 7/8, lượng mưa ở nhiều trạm đo đã vượt quá 360 mm. Nhưng từ 8h đến 17h ngày hôm nay, lượng mưa trong tỉnh phổ biến dưới 100m. Nếu đêm nay không có mưa lớn, nước sẽ rút và công tác phòng chống thiên tai cứu hộ cứu nạn sẽ thuận lợi hơn. Nếu trời đổ mưa lớn, việc cứu hộ sẽ sẽ lập tức được triển khai, trước hết là cưỡng chế những người vẫn cố tình ở lại vùng nguy hiểm./.
Theo Vov.vn
XEM THÊM : NÔNG DÂN MẤT TIỀN TỶ VÌ HÀNG TRĂM TẤN SẦU RIÊNG BỊ GIÓ GIẬT RỤNG, TP.PLEIKU: CÂY XANH LẠI BẬT GỐC