Thí điểm dán phản quang trên xe “công nông” ở Gia Lai
Thí điểm dán phản quang trên xe ‘công nông’ ở Gia Lai
Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với tỉnh Gia Lai triển khai mô hình thí điểm dán phản quang đảm bảo ATGT đối với xe công nông, máy kéo độ chế…
Sáng nay (8/6), tại UBND xã Glar, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ban ATGT tỉnh Gia Lai, huyện Đak Đoa tổ chức lễ phát động triển khai thí điểm chương trình nâng cao ATGT xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đak Đoa.
Trước đó, Báo Giao thông có loạt bài nguy cơ mất ATGT đối với loại phương tiện thô sơ như xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Loạt bài báo cảnh báo nguy cơ mất ATGT đối với phương tiện nêu trên, cụ thể: Tỉ lệ bằng lái xe A4 chỉ 10% so với người sử dụng phương tiện; phương tiện độ chế bằng phế liệu, thiết bị cũ không đảm bảo; phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm; hệ thống cảnh báo ATGT trên phương tiện như đèn, còi, gương chiếu hậu… Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ và tham gia giao thông ở các vị trí giao cắt trên các tuyến đường giao cắt gây nguy cơ mất ATGT; Trong nhiều năm qua, nhiều vụ TNGT thương tâm đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người tham gia giao thông…
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 38.000 xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp. Hầu hết loại phương tiện giao thông này chưa đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật nênkhi tham gia giao thông trên đường công cộng chung với các loại xe khác trở thành nguy cơ lớn xảy ra TNGT. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến loại phương tiện này, trong đó có nhiều vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương.
Để hạn chế nguy cơ và kéo giảm TNGT liên quan đến loại phương tiện này, Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT huyện Đak Đoa đã phát động triển khai thí điểm chương trình nâng cao ATGT xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đak Đoa.
“Khi tham gia giao thông trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ chung với các loại xe khác có vận tốc lớn hơn, xe máy kéo nhỏ và xe máy phục vụ nông, lâm nghiệp tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT rất lớn. Vào thời điểm ban đêm, thời tiết sương mù ở Tây Nguyên làm phương tiện khác khó phát hiện ở khoảng cách gần, đây là nguyên nhân TNGT thường xảy ra đối với phương tiện này”.
Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.
Tại buổi lễ, người dân được phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe máy kéo nhỏ và xây dựng văn hóa giao thông đối với người đồng bào DTTS với nhiều nội dung đổi mới, đa dạng. Dịp này, có hơn 600 xe máy kéo nhỏ trên địa bàn huyện Đak Đoa được Công ty TNHH 3M Việt Nam hỗ trợ dán decal phản quang nhằm nâng cao hệ số an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ và kéo giảm TNGT liên quan đến loại phương tiện xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp.
Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu lên vấn đề mất ATGT đối với xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp là các phương tiện cơ giới. “Điều kiện kỹ thuật để tham gia giao thông vẫn còn rất thô sơ, thường do bà con nhân dân hoặc các đơn vị sản xuất tự chế. Bên cạnh đó, điều kiện địa hình lưu thông các phương tiện này rất phức tạp, người điều khiển phương tiện đa phần chưa qua đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe hạng A4, ý thức tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, chở nhiều người, trái với quy định của pháp luật.
“Bước đầu, chúng tôi đã có đánh giá thử nghiệm và cho thấy kết quả của những miếng dán phản quang mang lại tác dụng khá tích cực vào ban đêm hoặc thời điểm ánh sáng không đảm bảo. Đối với xe được dán phản quang, các phương tiện khác có thể phát hiện được ở khoảng cách từ 400 – 500m, trong khi không dán phản quang sẽ chỉ phát hiện ở khoảng cách 20m, gây khó khăn trong việc xử lý nếu có tình huống xấu xảy ra”, ông Dũng phân tích.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dũng cho biết Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những nghiên cứu giải pháp đảm bảo ATGT đối với loại phương tiện trên. Trong đó, có giải pháp dùng phản quang 3M làm dấu hiệu nhận biết, các tài xế phương tiện khác sẽ nhận biết và điều khiển phương tiện ở khoảng cách an toàn giảm nguy cơ gây tai nạn.
“Dự án này đang ở giai đoạn thử nghiệm, theo lộ trình cần có kết quả đánh giá sâu và cụ thể để rút kinh nghiệm. Nếu kết quả tốt, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ có những động thái tiếp theo để nhân rộng mô hình”, ông Dũng cho biết.
Tạ Vĩnh Yên
ATGT
Dấu hiệu phá rừng để thi công điện: Chủ đầu tư cam kết khắc phục
Theo đại diện chủ đầu tư, họ đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng của huyện Đăk Pơ nói riêng và các ngành chức năng tỉnh Gia Lai để giải quyết…
Nhằm phục vụ nhu cầu điện năng của các tỉnh duyên hải Miền Trung, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai Dự án “Đường dây 220kV Pleiku 2 – An Khê”. Liên quan đến dự án này, VOV đã đăng tải sự việc một đơn vị thi công Dự án đã vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
Sau khi tiếp nhận thông tin, các đơn vị liên quan đã xác nhận sai phạm và đang khắc phục hậu quả. Phóng viên VOV tại Tây Nguyên phỏng vấn ông Hà Thanh Xuân, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện Gia Lai trực thuộc Truyền tải điện 3, đơn vị đại diện chủ đầu tư quản lý và thực hiện dự án, về những nội dung liên quan.

Đơn vị thi công san ủi khi chưa được phép để mở đường thi công cột điện.
PV: Dự án Đường dây điện 220kV Pleiku2- An Khê là dự án lớn và quan trọng, Truyền tải điện 3 đã có sự phối hợp thế nào với các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai và Bình Định trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án thưa ông?
Ông Hà Thanh Xuân: Dự án đường dây 220kV Pleiku 2 – An Khê dài 110km, đi qua địa phận Thành phố Pleiku, các huyện Chư Prông, Đăk Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai và huyện Tây Sơn của tỉnh Bình Định. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2017. Do tính cấp thiết cũng như mức độ quan trọng của dự án nên Công ty Truyền tải điện 3 (đại diện chủ đầu tư công trình) đã tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai và Bình Định để bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đến nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án đã gần hoàn thiện. Chỉ còn vài vị trí móng trụ và một số vướng mắc nhỏ trên hành lang. Tuy số lượng ít nhưng gây ảnh hưởng đến tiến độ đóng điện, có nguy cơ gây thiếu điện cho các tỉnh duyên hải miền Trung khi mùa khô đến.
PV: Sau sự việc đơn vị thi công để xảy ra sai phạm khi thi công móng trụ điện tại lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, huyện Đăk Pơ, các ngành liên quan có giải pháp gì khắc phục thưa ông?
Ông Hà Thanh Xuân: Theo thỏa thuận hợp đồng xây lắp đã ký, nhà thầu thi công có trách nhiệm thỏa thuận với chủ đất để làm đường tạm phục vụ thi công nếu có, bồi thường các hư hỏng trong quá trình thi công và hoàn trả mặt bằng sau khi thi công.

Dự án Đường dây điện 220kV Pleiku2- An Khê dài gần 110km, đi qua nhiều vị trí rừng và đất rừng.
Ngay khi chúng tôi nhận được thông tin đơn vị thi công để xảy ra sai sót khi thi công móng trụ điện tại lâm phần Ban Quản lý rừng Bắc An Khê, chúng tôi đã rất cầu thị, tích cực phối hợp với các ngành chức năng của huyện Đăk Pơ nói riêng và các ngành chức năng tỉnh Gia Lai để giải quyết sự việc.
Trong đó, Công ty Truyền tải điện 3 đã có các văn bản đề nghị đơn vị thi công tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng; thực hiện đầy đủ các thủ tục thỏa thuận với ban quản lý rừng đúng như cam kết của đơn vị thi công với Công ty Truyền tải điện 3 và ban quản lý rừng. Đồng thời, khẩn trương khắc phục những việc đã làm như báo chí đã đưa.
PV:Và giải pháp để có thể thi công nhanh chóng, thuận lợi và tránh sai phạm về sau ở các vị trí khác là gì thưa ông?
Ông Hà Thanh Xuân: Để có thể thi công nhanh chóng, thuận lợi về sau ở các vị trí còn lại, chúng tôi đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để việc thi công diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và đúng quy định.
Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh Gia Lai, tỉnh Bình Định để đường dây đóng điện vận hành đúng tiến độ, nhằm giải quyết nguy cơ thiếu điện của các tỉnh duyên hải miền trung; hình thành mối liên kết lưới điện 220kV giữa các khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
PV: Xin cảm ơn ông./.Theo Vov.vn
XEM THÊM : Gia Lai: Showroom ô tô bị hỏa hoạn