Công ty CP Kinh doanh và phát triển Miền núi Gia Lai thuê đất với mục đích thực hiện bán hàng chính sách nhưng lại cho thuê để làm trung tâm nha khoa.
Thuê đất công xong làm khác mục đích xin thuê
Nhiều DN ở tỉnh Gia Lai thuê đất vàng theo đơn giá nhà nước, sau đó cho thuê lại để hưởng chênh lệch và không làm theo mục đích xin thuê…
Mới đây, Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa chỉ ra nhiều bất cập trong việc doanh nghiệp thuê đất công ở Gia Lai theo giá nhà nước sau đó cho thuê lại để hưởng chênh lệch…
Thuê đất công xong cho thuê lại
Theo hồ sơ lưu trữ của Sở TNMT tỉnh Gia Lai, ngày 7/6/2014, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền Núi Gia Lai (Công ty Miền Núi Gia Lai) có đơn gửi tỉnh Gia Lai xin thuê lô đất tại địa số 35 – Trần Phú (P. Diên Hồng- TP. Pleiku). Lô đất do Công ty Miền Núi Gia Lai thuê nằm ở ngã tư đường Hoàng Văn Thụ giao nhau với đường Trần Phú có diện tích 111,9m2. Ngay sau khi có đơn đến khi có Quyết định cho thuê lô đất trên chỉ vỏn vẹn hơn 3 ngày (từ ngày 7-10/6/2014).
“ Việc doanh nghiệp thuê đất để kinh doanh là một điều tốt, điều này đồng nghĩa với thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Các ngành chức năng cũng rất tích cực trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án và đưa vào kinh doanh mang lại lợi nhuận.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thuê đất đăng ký mục đích sử dụng chính là việc gì thì phải tuân thủ làm theo dựa theo lợi thế của doanh nghiệp. Ví dụ như Nguyễn Kim kinh doanh mặt hàng điện tử thì phải thực hiện đúng theo hợp đồng với tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Gia Lai ”
Quyết định số 65/QĐ-UBND do ông Đào Xuân Liên- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký giao cho doanh nghiệp nêu rõ: Cho Công ty Miền Núi Gia Lai thuê để xây dựng Cửa hàng Kinh doanh hàng Chính sách. Thời hạn cho thuê 50 năm.
Dù đơn xin thuê đất nêu rõ mục đích để xây dựng Cửa hàng Kinh doanh hàng Chính sách, tuy nhiên thực tế, nơi này đã biến thành phòng khám Nha khoa Sài Gòn”; “nhà thuốc Sài Gòn”. Trong căn nhà này, có một bảng hiệu ghi “Cửa hàng Kinh doanh hàng Chính sách”, nhưng qua nhiều ngày quan sát đều không thấy mở cửa, không thấy người hay hàng hóa để bán như mục đích xin thuê đất ban đầu.
Một cán bộ chức năng cho rằng, việc công ty này để gian hàng tại vị trí lô đất 35 Trần Phú, thực ra chỉ là “đối phó” với cơ quan chức năng.
Một trường hợp khác là tại vị trí số 53, Quang Trung, vị trí lô đất vàng ngay trung tâm thành phố được doanh nghiệp Nguyễn Kim (TP. HCM) thuê để xây dựng kinh doanh mặt hàng điện tử và dịch vụ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này đưa vào kinh doanh nhưng không có một gian hàng nào về điện tử mà chỉ có phục vụ ăn uống, rạp chiếu phim, cà phê.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Gia Lai cho biết, mới đây, đoàn liên ngành do Sở KHĐT làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thuê đất của doanh nghiệp Nguyễn Kim liên quan đến lô đất số 53, Quang Trung.
Theo ông Hòa, việc doanh nghiệp kinh doanh ngoài các mặt hàng theo đăng ký. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang trong giai đoạn hoàn thành dự án. Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp này bổ sung các hạng mục điện máy theo đăng ký ban đầu của mục đích xin thuê đất. Doanh nghiệp này cũng có viện dẫn lý do thuê đất ở một cửa hàng trên đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) nên chưa đưa máy móc lên.
Còn đối với vị trí lô đất số 35 Trần Phú, do Công ty Miền Núi thuê đất để phục vụ mặt hàng chính sách thì Sở không nắm, ông Hòa cho biết.
Thanh tra 6 doanh nghiệp sau cổ phần hóa
Mới đây, ông Võ Ngọc Thành, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký quyết định ký quyết định thanh tra các công ty Công ty Cổ phần Gia Lai CTC; Công ty Miền Núi; Công ty Cổ phẩn Thương mại Gia Lai; Công ty Cổ phần Du lịch Gia Lai; Công ty Cổ phần Xây dựng và Xây lẳp điệ̉n Gia Lai; Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Việc thanh tra dựa trên kết quả KTNN phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Gia Lai từ năm 2011-2017.
Theo đó, KTNN đã phát hiện sau khi CPH, nhiều DN không sử dụng đất, tài sản đã được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê mà mang đi cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại để thu tiền chênh lệch hoặc góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất thuê theo hình thức trả tiền hàng năm, cho thuê tài sản trên đất khi tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Việc làm này là trái Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
Cụ thể: Công ty Cổ phần Du lịch Gia Lai cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Gia Lai thuê khu đất 210,7m2 tại số 38 Nguyễn Thiện Thuật, thu lợi 1,027 tỷ đồng/năm; cho bà Trịnh Thị Hòa thuê 449,1m2 tại số 53 Trần Phú thu lợi 756 triệu đồng/năm; cho chi nhánh Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT thuê tài sản số 124 Trần Phú thu lợi 613 triệu đồng/năm. Hoặc Công ty CP Gia Lai CTC (trước đây là Công ty CP Văn hóa Du lịch Gia Lai) cho Công ty CP Con Cưng thuê một phần căn nhà (590m2) tại số 06 Lê Lợi, thu lợi 763 triệu đồng/năm… Đây đều là những vị trí “đất vàng” trên các đô thị ở Gia Lai. Số tiền DN phải nộp ngân sách rất thấp so với tiền thu được.
Theo Baogiaothong.vn
Dự án trăm tỷ ‘quên’ thi công nửa cây cầu
Mặc dù dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở suối Hội Phú, TP Pleiku được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng đơn vị thi công lại… ‘bỏ quên’ làm nửa cây cầu còn lại. Sự việc trên không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây, mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông tại tuyến đường này.
Hình ảnh đơn vị thi công “bỏ quên” không thi công hết cây cầu.
Mấy năm qua, một số hộ dân sống tại tổ 1, phường Phù Đổng, TP Pleiku rất bức xúc, khi những ngôi nhà ở đây luôn bị ngập nước. Nguyên nhân chính là do đơn vị thi công công trình bờ kè và đường giao thông, thuộc dự án kè suối Hội Phú, đã “bỏ quên” không thi công nửa cây cầu còn lại.
Người dân sống tại đây cho biết, cây cầu này được thi công từ hơn 1 năm nay, không hiểu lý do vì sao mà không thấy hoàn thiện tiếp nửa cây cầu còn lại. Do vậy, cứ đến mùa mưa thì nước ngập vào nhà. Gần đây còn có mấy vụ xe lao xuống chân cầu do cầu không hoàn thiện, không biển báo, không có lan can… Sau mấy vụ tai nạn giao thông xảy ra, người dân đã bẻ cành cây để làm “biển báo”, đồng thời phản ánh lên chính quyền địa phương nhiều lần, nhưng đã hơn 1 năm trôi qua vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng giải quyết.
Quan sát tại hiện trường cho thấy, cây cầu này có chiều dài hơn 10m nhưng chỉ được thi công một nửa. Vị trí cầu nằm giữa đường Hùng Vương và đường giao thông thuộc dự án bờ kè Hội Phú. Ngay phía dưới chân cầu chưa được thi công có đến hơn 5 hộ dân sinh sống. Do cây cầu cao hơn nhà dân, nên vào mùa mưa thì tất cả nhà của những hộ dân này đều bị ngập nước. Tại đây cũng không có đèn đường, do vậy hay xảy ra tại nạn xe máy lao xuống chân cầu.
Lý giải về sự việc trên, bà Hoàng Thị Ngọc Tuyền, Phó Chủ tịch UBND phường Phù Đổng cho biết: “Những phản ánh của người dân, chúng tôi đã nắm được, về phía UBND phường Phù Đổng cũng đã nhiều lần gửi báo cáo lên UBND, Phòng Quản lý đô thị thành phố và Ban quản lý dự án TP Pleiku, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Mới đây, ngày 18/3/2019, phường Phù Đổng tiếp tục gửi Báo cáo số 31/BC-UBND đến cơ quan chức năng đề nghị xử lý triệt để, nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết…”.
Sau khi xảy ra một số vụ tai nạn, người dân đã bẻ cành cây làm “biển báo”.
Được biết, vào tháng 8/2014, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng suối Hội Phú, TP Pleiku; Quyết định số 720/QĐ-UBND ngày 9/9/2014 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở suối Hội Phú.
Cụ thể, dự án này sẽ xây dựng 2 đập tràn ĐT3 (đường Hùng Vương) và ĐT4 (đường Nguyễn Lương Bằng), tạo 2 hồ điều hòa (hồ 1 diện tích 1,64ha và hồ 2 diện tích 1,59ha); xây dựng kè 2 bên bờ suối có chiều dài tổng cộng 3,63km. Đỉnh kè kết hợp làm đường giao thông với chiều dài 3,7km, bề rộng mặt đường 7m, vỉa hè 2×2,5m; hệ thống thoát nước mưa và nước thải đầu tư hoàn chỉnh bằng cống bê tông cốt thép D75, D100… Đây là một trong những dự án trọng điểm tại TP Pleiku. Tổng mức đầu tư ban đầu cho dự án này là 240 tỷ đồng, trong đó chi phí dành cho đền bù giải phóng mặt bằng 34,6 tỷ đồng. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên…
Trước sự việc, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cần nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên, để người dân yên tâm sinh sống. Đồng thời, nhằm hạn chế tai nạn giao thông tại “nửa cây cầu”, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường này.
Theo Thanhtra.com.vn
XEM THÊM : Tên gọi Phố Núi Gia Lai có ý nghĩa gì?