Thí sinh nên lựa chọn loại bút chì mềm để dễ tô đáp án.
Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định thi trắc nghiệm thêm môn Toán trong kỳ thi quốc gia. Hẳn nhiều thí sinh đang rất lo lắng. Sau đây là những lưu ý các thí sinh cần phải nhớ khi làm bài thi trắc nghiệm.
Chuẩn bị đồ dùng
Ngoài những vật dụng cá nhân được mang vào phòng thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để làm bài thi trắc nghiệm thí sinh cần chuẩn bị mang theo những đồ dùng cần thiết sau đây:
– 2 – 3 bút chì đã gọt sẵn (loại mềm 2B, 6B) để bút này gãy còn có bút khác thay thế.
– 2 bút bi cùng loại (mực màu xanh hoặc màu đen) để ghi thông tin cá nhân
– Dụng cụ gọt bút chì, tẩy
– Thước kẻ
– Máy tính theo quy định (sử dụng cho những môn cần tính toán)
– Đồng hồ để theo dõi thời gian làm bài Lưu ý không nên gọt bút chì quá nhọn, diện tích tiếp xúc của đầu bút chì với giấy thi nhiều hơn tô đáp án nhanh hơn và không làm rách giấy thi.
Đọc lướt qua một lượt đề thi
Sau khi giám thị phát đề thi, thí sinh sẽ có khoảng 5 – 10 phút để kiểm tra đề xem có thiếu sót hoặc thắc mắc gì không. Hãy tranh thủ thời gian này để lướt nhanh qua một lượt đề thi.
Sau khi đọc lướt một lượt xem phần nào chắc chắn thì làm trước.

Thí sinh hãy dành khoảng 5 – 10 phút để đọc lướt qua đề bài.
Chọn câu trả lời
Các bạn nên làm theo từng phần để tránh bị bỏ sót, câu nào chưa làm được đánh dấu lại, sau khi làm xong các câu dễ thì quay lại hoàn thành nốt những câu đã bỏ qua. Lưu ý, các câu trắc nghiệm điểm là ngang nhau nên không nên tập trung quá nhiều thời gian vào một câu mà bỏ quên các câu khác.

Phương pháp phỏng đoán và loại trừ
Khi bạn không chắc chắn về một đáp án nào đó thì hãy sử dụng phương pháp loại trừ. Phỏng đoán, loại trừ không có nghĩa là bạn đoán bừa mà phải dựa trên những dữ liệu có trong bài và phỏng đoán một cách logic và có khoa học sẽ làm tăng khả năng lựa chọn được đáp án đúng cho bạn.
Đây là một vài mẹo thí sinh có thể sử dụng để loại trừ các lựa chọn sai:
– Loại trừ đáp án sai rõ ràng
– Loại trừ đáp án sai chút ít, tức là đáp án có vẻ đúng nhưng có một hoặc hai từ làm nó sai
– Loại trừ đáp án vốn dĩ là đúng với dữ liệu của đề bài nhưng lại không liên quan đến câu hỏi
– Nếu có hai đáp án đối nghịch nhau thì một trong hai đáp án là đúng
– Nếu có hai đáp án rất giống nhau thì một trong hai đáp án là đáp án đúng
Loại bỏ được một đáp án nào thì bạn đã có nhiều hơn 25% cơ hội trả lời đúng câu hỏi đó.
Khi không chắc chắn về đáp án thì thí sinh có thể lựa chọn phương pháp phỏng đoán và loại trừ.
Quay lại làm câu đã bỏ qua
Sau khi đã làm hết những phần mình đã chắc chắn rồi thì quay lại để làm những câu mà mình đã bỏ qua. Đây chắc là những câu khó hoặc những câu bạn không chắc chắn về đáp án. Hãy đọc từng câu hỏi và loại bỏ những đáp án bạn biết là không chính xác. Nếu thật sự không xác định được đâu là đáp án đúng thì hãy chọn cho mình một đáp án mà bạn cho là chính xác nhất, bạn vẫn có xác suất đúng là 25%.
Sau khi đã hoàn thành những câu chắc chắn đáp án rồi thì thí sinh quay lại hoàn thành nốt những câu đã bỏ qua.
Tô trực tiếp đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm
Làm đến câu nào thí sinh dùng bút chì tô luôn vào phiếu trả lời ứng với câu trắc nghiệm đó. Không nên trả lời vào giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu trả lời, vì dễ bị thiếu thời gian hoặc tô nhầm đáp án.

Tô câu trả lời đúng chỗ tương ứng câu trắc nghiệm
Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh tô trên phiếu trả lời phải tương ứng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng tô nhầm vào hàng của câu khác trong phiếu trả lời. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ dẫn đến các câu trả lời trong phiếu sẽ sai hàng loạt.
Thí sinh lưu ý tô câu trả lời trong phiếu trả lời phải tương ứng với câu hỏi trắc nghiệm.
Chỉ tô các ô trả lời bằng bút chì
Dùng bút chì tô đậm và lấp kín cả ô trả lời, không gạch chéo hoặc đánh dấu vào ô được chọn. Trong những trường hợp tô nhầm hoặc thay đổi đáp án thì thí sinh dùng tẩy thật sạch ô trả lời cũ và tô vào ô đáp án mình lựa chọn. Không được tô bất cứ ô nào trong phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút mực, bút bi.

Chỉ tô 1 đáp án cho 1 câu trắc nghiệm
Tránh tuyệt đối việc tô 2 ô trả lời trở lên cho một câu trắc nghiệm. Trong trường hợp này máy sẽ không chấm và câu đó sẽ không có điểm.

Rà soát lại bài thi
Sau khi đã hoàn thành xong bài làm, thí sinh nên rà soát lại một lượt. Đặc biệt cần kiểm tra lại những thông tin quan trọng như: thông tin cá nhân, số báo danh, mã đề thi, rà soát đáp án xem còn bỏ sót câu nào không, hoặc có đáp án nào quá mờ hoặc tô 2 đáp án… để kịp thời sửa hoặc bổ sung.