Tin mới
Diện tích đất rừng thông tại huyện Mang Yang bị người dân lấn chiếm sinh sống, buôn bán.
UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất lâm nghiệp
Hiện có 34 hộ dân thuộc thôn Nhơn Tân, xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, đang dựng nhà trên đất rừng thông do Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang quản lý, trong đó có 11 hộ đã được UBND huyện Mang Yang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2001.
Đến năm 2011, chính quyền huyện này ra Quyết định thu hồi diện tích đất trên vì phát hiện nguồn gốc đất thuộc đất lâm nghiệp. Việc làm này của chính quyền huyện Mang Yang khiến người dân bức xúc.
Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh tại Văn bản số 152/TTr-NV2 ngày 10/4/2019 về việc kiểm tra tình trạng người dân xây dựng nhà trong khu vực rừng thông ở huyện Mang Yang, cho thấy khu đất này thuộc địa bàn thôn Nhơn Tân, xã Đăk Ta Ley do Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang quản lý. Hiện có 34 hộ dân xây dựng nhà để ở và kinh doanh, trong đó có 8 căn nhà tạm, 23 nhà cấp 4, một lô đất chưa xây dựng và 2 cây xăng với tổng diện tích hơn 11.000 m2.
Ông Võ Lê Xuân Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang thừa nhận, việc UBND huyện Mang Yang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 11 hộ dân tại thôn Nhơn Tân, xã Hà Ra cũ (nay là xã Đăk Ta Ley), đồng thời 15 hộ khác có xác nhận của UBND xã Hà Ra, nhưng chưa làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, người dân vẫn sinh sống trên phần đất đã được UBND huyện Mang Yang ra quyết định thu hồi năm 2011.
Việc chính quyền huyện Mang Yang ra quyết định hủy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 11 hộ nêu trên khiến các hộ dân bức xúc; cho rằng chính quyền giải quyết chưa thỏa đáng khi các hộ bỏ tiền mua, nhận sang nhượng đất, xây dựng nhà, cơ sở kinh doanh đã được sự cho phép của chính quyền sở tại.
Ông Phạm Văn Trường, Chủ doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Thảo Dương, thôn Nhơn Tân, xã Đăk Ta Ley, sửa chữa một căn nhà cấp 4 từ năm 2018, nhưng đến nay vì nhiều lần bị UBND xã, huyện đến yêu cầu dừng việc sửa chữa nên căn nhà vẫn dở dang.
Ông được giải thích, đây thuộc đất rừng thông nên không cho phép xây dựng nhà ở. Trong khi căn nhà ông đang ở và cây xăng gia đình ông đang kinh doanh đã được xây dựng nhiều năm trước đó thì không sao.
Ông Trường bức xúc: Chúng tôi sinh sống ở đây hơn 30 năm, chính quyền huyện đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rồi tự dưng có Quyết định thu hồi vì nói là đất lâm nghiệp. Nếu thu hồi đất phục vụ lợi ích quốc gia chúng tôi đồng ý ngay, nhưng chính quyền bảo đây là đất lâm nghiệp, trong khi chúng tôi ở và được cấp giấy tờ trước khi tỉnh có chủ trương giao đất cho lâm trường.
Cùng chung tình trạng trên, anh Lê Công Cường, thôn Nhơn Tân, xã Đăk Ta Ley cho biết: “Tôi mua lại mảnh đất này năm 2010, năm 2011, UBND huyện Mang Yang Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà con không ai nộp nhưng chính quyền vẫn ra Quyết định thu hồi. Đến nay, chúng tôi không xây dựng được nhà, không thế chấp để vay vốn kinh doanh được. Rất mong chính quyền tỉnh Gia Lai có những chính sách phù hợp để chúng tôi yên tâm sinh sống và làm ăn. Nếu di dời chúng tôi đến nơi ở mới, phải đảm bảo cho chúng tôi có điều kiện phát triển kinh tế bằng hoặc hơn nơi ở cũ.”
Nhà ở kiên cố và cây xăng được cấp phép xây dựng trên đất rừng thông tại huyện Mang Yang
Nói về nguồn gốc đất của các hộ dân được cho là lấn chiếm đất rừng, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang cho rằng: Tình trạng này do lịch sử để lại nên khó xử lý triệt để, cần có biện pháp xử lý hài hòa giữa tình và lý vì bà con sinh sống ở đây đã khá lâu. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đang rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp và đất rừng bị lấn chiếm để báo cáo lên cấp trên có hướng xử lý phù hợp.
Theo bà Hồ Thị Minh Thư, Chủ tịch UBND xã Đăk Ta Ley, các hộ dân này đã sinh sống ở đây trước năm 1991 và có giấy tờ sở hữu đất hợp pháp do chính quyền huyện Mang Yang cấp.
Đến năm 1998, UBND tỉnh Gia Lai mới có quyết định giao diện tích đất rừng thông này cho Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang quản lý. Sau đó, chính quyền huyện Mang Yang có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như diện tích đất đã cấp cho 11 hộ trên.
Đại diện những hộ dân sinh sống trên địa bàn, chính quyền xã Đăk Ta Ley kiến nghị cấp trên nên có hướng xử lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nếu đủ điều kiện nên cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con để họ sinh sống và làm ăn lâu dài tại nơi ở cũ. Nếu không được thì bố trí quy hoạch khu dân cư mới cho các hộ dân này, nhưng phải đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế cho họ.
Trước đó, vào đầu năm 2019, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có chuyến thị sát tại một số địa phương để chỉ đạo triển khai công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn, trong đó có khu vực rừng thông dọc Quốc lộ 19, thuộc thôn Nhơn Tân, xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang.
Sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn số 846/UBND-NC giao Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Mang Yang, Sở Tư Pháp, Sở Xây dựng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang kiểm tra, làm rõ từng trường hợp xây nhà, cây xăng tại khu vực rừng thông Mang Yang, để tỉnh có hướng xử lý đúng quy định của pháp luật.
Tin, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Theo Baotintuc.vn
Huyện ủy Kbang đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xử lý trách nhiệm công ty Hiệp Lợi
Quá trình rà soát, kiểm tra xác minh theo đơn tố cáo, Ủy ban kiểm tra (UBKT) huyện ủy Kbang, tỉnh Gia Lai phát hiện công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai thuê đất rừng sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy hoạch, lấn chiếm đất rừng. Do đó, huyện ủy Kbang đã chỉ đạo UBND huyện đề nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm công ty TNHH Hiệp Lợi.
Theo đơn tố cáo của người dân gửi huyện ủy Kbang, tỉnh Gia Lai và báo điện tử Người Đưa Tin, phản ánh việc công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai thuê đất rừng, trồng cao su. Tuy nhiên, công ty này không thực hiện theo cam kết. Cụ thể, sau khi thuê được đất, công ty Hiệp Lợi trồng cao su xen với keo lai, là sai mục đích theo biên bản cam kết. Ngoài ra, lợi dụng chủ trương thuê đất rừng, công ty Hiệp Lợi còn lấn chiếm đất rừng trái phép nhằm cơi nới diện tích..
Đất rừng công ty Hiệp Lợi sử dụng sai mục đích
Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc, PV báo điện tử Người Đưa Tin vào cuộc tìm hiểu. Theo tài liệu PV thu thập được, năm 2013, căn cứ Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 26/10/2012 của UBND tỉnh Gia Lai, về việc cho phép chuyển đất rừng trồng bạch đàn sang trồng cao su.
Căn cứ vào Quyết định số 209/QĐ-UBND ngày 1/3/2013 của UBND tỉnh, về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư trồng và phát triển cao su tại xã Đăk Smar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai của công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai.
Căn cứ Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 4/5/2013, của UBND tỉnh Gia Lai, về việc phê duyệt dự án đầu tư phát triển cao su tại xã Đăk Smar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai của công ty TNHH Hiệp Lợi.
Xét Tờ trình số 07/TTr-HLGL ngày 5/5/2013, về việc xin thuê đất trồng cao su của công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai
Theo đề nghị của sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 540/ttr-STNMT ngày 9/5/2013, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định thu hồi 299,2 ha đất lâm nghiệp của công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ka Nak giao cho công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai thuê để trồng cao su tại các tiểu khu 123, 124, 127, xã Đăk Smar, huyện Kbang (thời hạn thuê là 30 năm).
Tiếp đó, ngày 10/3/2014, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND về việc thu hồi 171,4ha đất lâm nghiệp của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ka Nak cho công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai thuê để trồng cao su, vị trí tại xã Đăk Smar huyện Kbang (thời hạn thuê là 30 năm).
Tuy nhiên, trong quá trình được bàn giao đất rừng để thực hiện dự án trồng cao su, phía công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai đã thực hiện trồng cây keo lai trên một số diện tích đất được giao. Điều này không đúng cam kết dự án. Ngoài ra, người dân còn phát hiện công ty TNHH Hiệp Lợi lấn chiếm thêm diện tích đất rừng, nên bức xúc làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân, UBKT huyện ủy Kbang đã vào cuộc xác minh. Theo kết quả rà soát, kiểm tra của UBKT huyện ủy Kbang, tại khoảnh 9, tiểu khu 124, tổng diện tích đo đạc được 2,58ha (hiện trạng là rừng cao su trồng năm 2014 và trồng cây keo lai). Chủ rừng là công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai (hiện nay đã chuyển nhượng cho công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh, huyện Kbang, do ông Hoàng Văn Lan làm Chủ tịch, kiêm Giám đốc).
Đối chiếu với bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 và bản đồ hiện trạng đất lâm nghiệp khu vực chuyển sang trồng cao su, thì diện tích 2ha đang trồng keo lai thuộc đất dự án trồng cao su mà UBND tỉnh thu hồi giao cho công ty TNHH Hiệp Lợi.
Ngoài ra, UBKT huyện ủy Kbang còn phát hiện do sự lơ là, thiếu quản lý của lãnh đạo UBND xã Đăk Smar, công ty Hiệp Lợi “nhanh chân” lấn chiếm 0,58 ha đất nông nghiệp do xã quản lý để trồng cao su, keo lai.
Bên cạnh đó, quá trình rà soát đối chiếu bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 và bản đồ năm 2017, UBKT phát hiện ông Lan, Giám đốc công ty đã tự ý cắt 2ha đất dự án (trong tổng diện tích 299,2ha được UBND tỉnh giao để trồng cao su), trao đổi cho một người dân địa phương trồng cà phê, là không đúng mục đích sử dụng đất.
2ha đất dự án trồng cao su mà công ty TNHH Hiệp Lợi tự ý cắt trao đổi với người dân địa phương trồng cà phê sai mục đích.
Ngày 16/5, trao đổi với PV, một lãnh đạo huyện ủy Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: “Sau khi xác minh rõ nội dung chúng tôi đã làm việc với Giám đốc công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh”. Ông Lan đưa ra lý do, do đất xấu, nhiều đá, cao su chết nhiều, nên trồng keo lai để cải tạo đất.
Khẳng định với PV, lãnh đạo huyện Ủy Kbang, tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Lãnh đạo huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện làm văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, xử lý trách nhiệm đối với công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai trong việc thực hiện không đúng quy hoạch, không đúng mục đích sử dụng đất, theo Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 10/5/2013 của UBND tỉnh tại khoảnh 9 tiểu khu 124 diện tích 4ha.
Riêng đối với diện tích 0,5ha đất lâm nghiệp do xã Đăk Smar quản lý bị công ty Hiệp Lợi lấn chiếm, lãnh đạo xã phải có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.
* Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Nguoiduatin.vn
XEM THÊM : Nồng nàn rượu ghè làng Vân, Gia Lai: Đẩy mạnh phát triển điện mặt trời trên mái nhà